Đưa hàng Việt vào thị trường ASEAN
Theo nhận định của giới chuyên gia, trước những diễn biến bất định, khó lường của tình hình nhiều khu vực trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy thay vì tiếp tục tìm kiếm đơn hàng tại các thị trường truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã tính đến giải pháp đưa hàng vào thị trường ASEAN.
Ảnh hưởng những “cơn nóng-lạnh”
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM khẳng định, xuất khẩu của ngành dệt may thời gian qua khá khó khăn. Nhiều DN ghi nhận đơn hàng giảm sụt mạnh, do sức mua tại thị trường các nước nhập khẩu giảm vì lạm phát cao. Dự báo, tình hình này còn kéo dài trong thời gian tới. Ngành chế biến gỗ cũng trầm lắng khi đơn hàng đi các nước giảm đáng kể.
Chia sẻ sự “khủng hoảng” của một số ngành xuất khẩu, TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cảnh báo: “Giá nhiều mặt hàng tăng cao, sức mua giảm sút nên việc xuất khẩu sang các nước hết sức khó khăn”. Ông Doanh dẫn chứng, tại thị trường Mỹ, giá hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu và ngay lập tức ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, nhất là với hàng dệt may và hàng điện tử… trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đỗ Hòa cũng phân tích làm rõ thêm, vừa rồi giá dầu lên cao có thể ngay lập tức tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Chi phí tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Giá dầu tăng cao, các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ tính toán tìm đối tác có khoảng cách gần hơn về địa lý, thay vì những nước ở xa hơn như Việt Nam. Với độ mở cao của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, với tỷ trọng xuất nhập khẩu tương đương 236% GDP, bất cứ “cơn nóng - lạnh” nào của nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động sâu sắc.
Sau khi phân tích những khó khăn mà DN Việt Nam sẽ phải đối mặt khi đến với các thị trường Mỹ, châu Âu, cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản,... chuyên gia Đỗ Hòa nhấn mạnh đến thị trường khu vực. Đây là thị trường mà DN Việt có vẻ còn đang bỏ ngỏ, cụ thể là hai thị trường khổng lồ Ấn Độ, Trung Quốc...
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Không kỳ vọng thị trường các nước xuất khẩu truyền thống sớm ổn định trở lại, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho biết, DN ngành chế biến đồ gỗ đang hướng vào thị trường ASEAN, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á. Theo ông Phương, đơn hàng xuất khẩu của DN tại các nước trong khu vực Đông Nam Á hiện khá ổn định.
Tương tự, ông Phạm Thế Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, nhu cầu đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm ở thị trường Indonesia tăng rất nhanh. Có thể nói đây là một trong những thị trường tăng nhanh nhất thế giới. Hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia hiện tập trung vào các nhóm: Cà phê, chè, rau quả, gạo,... Ngoài ra, các mặt hàng nông sản tiềm năng khác của Việt Nam có thể xuất khẩu vào Indonesia như: Mật ong, tinh bột sắn, củ gừng tươi, nghệ, hành, bánh kẹo.
Ngoài các thị trường trên, xuất khẩu vào Thái Lan cũng được nhiều DN hướng đến khi số lượng DN Việt tham gia hội chợ Thaifex tăng lên. Ghi nhận sự nỗ lực tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp Việt, song Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho rằng, trước khi đưa hàng vào Thái Lan, đa phần DN Việt không có định hướng cụ thể. Do doanh nghiệp tiếp cận sai cách nên sản phẩm của Việt Nam hầu như có rất ít ở Thái Lan.
Đối với thị trường Thái Lan, đây là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm. Còn theo số liệu thống kê của Bộ Công thương 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6%.
Với hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn cho doanh nghiệp và lăn lộn phát triển thị trường ở các nước ASEAN ông Đỗ Hòa đặt câu hỏi: “Tại sao hàng hóa ASEAN vào Việt Nam rất nhiều, nhưng hàng Việt Nam vào các nước ASEAN khác lại rất thấp?”. Về vấn đề này, theo nhận định của các chuyên gia, DN Việt đang thiếu một chiến lược hiệu quả để khai thác thị trường này. Người Thái Lan, Malaysia sẵn sàng bỏ tiền mua hàng với giá cao nếu đó là những sản phẩm tốt nhất của Việt Nam.
Ông Hòa, cho rằng, DN Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập tốt vào thị trường khu vực nếu thực sự muốn làm, thực sự lên kế hoạch làm và kiên trì bám đuổi mục tiêu. Chỉ cần sản xuất được sản phẩm thực sự tốt, có chiến lược marketing bài bản, hàng Việt hoàn toàn có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường khu vực ASEAN.
Hiện các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn giữa Việt Nam và các thị trường ASEAN tập trung vào lĩnh vực điện tử (điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện); máy móc, thiết bị; hàng nông sản (như nhập khẩu hạt điều từ Campuchia đạt hơn 1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Philippines đạt gần 760 triệu USD); ô tô nguyên chiếc (nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia); xăng dầu…