Tín dụng xanh, trái phiếu xanh
Để định hình thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh những năm qua tăng lên nhanh chóng: Năm 2017 là 180.121 tỷ đồng; năm 2020 là 333.087 tỷ đồng và năm 2021 tăng lên 443.085 tỷ đồng.
Trong dự thảo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 2 phương án lập danh mục công trình xanh để hưởng ưu đãi vay tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh: phương án 1 việc xác nhận thực hiện thông qua tổ chức đánh giá độc lập. Phương án 2 cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét xác nhận các dự án, hạng mục thuộc danh mục phân loại xanh để hưởng các ưu đãi liên quan.
Phát triển thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia. Kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu.
Với Việt Nam, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường”.
Thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng đặt ra mục tiêu phát triển tài chính xanh, mà cụ thể là tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đáng chú ý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa các quy định về tín dụng xanh (tại Điều 149); trái phiếu xanh (tại Điều 150).
Tín dụng xanh cũng như giống như các loại tín dụng khác nhưng được ưu tiên cho các hoạt động kinh tế đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Tín dụng xanh được hiểu là việc các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mang lại lợi ích về môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học chung.
Trái phiếu xanh cũng là công cụ nợ nhưng được phát hành trên thị trường chứng khoán để huy động tài trợ, cho vay từ khu vực tư nhân nhằm mở rộng quy mô và hiện thực hóa các kế hoạch về đối phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh quốc gia. Tín dụng xanh được xem là công cụ thúc đẩy phát triển, đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp để đầu tư vào các dự án có mục đích bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích môi trường, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính.
Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thì Đảng, Nhà nước luôn khẳng định không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế. Gần đây nhất, tại hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 5 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức (ngày 4/8/2022), quan điểm này một lần nữa được nhấn mạnh.
Trước đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Tại Hội nghị COP26 (tháng 11/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, bên cạnh nhiều giải pháp thì đòi hỏi nguồn lực tại chính rất lớn. Vì thế cần tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể, nhất là việc ban hành danh mục phân loại xanh chính thức và các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Cần có chính sách hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng cũng như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nhà đầu tư trái phiếu trong việc phát hành trái phiếu xanh và việc thực hiện cấp tín dụng xanh. Rõ ràng, minh bạch cũng chính là biện pháp cần thiết để một chủ trương tài chính lớn không bị lợi dụng, mà sẽ phát huy hiệu quả trong việc hướng tới phát triển hài hòa với thiên nhiên, bền vững.