Trước khi vào cuộc đua, Ban tổ chức chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số quy định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau. Để tham gia cuộc đua, bò phải được tuyển chọn từ vòng xã, huyện mới được lên thi đấu giải cấp tỉnh. Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có cắm cây đinh nhọn (cây xà-lul). Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chọc mạnh cây xà-lul vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước, quan trọng là phải chọc cho đều cả hai con thì vận tốc của đôi bò mới quyết liệt và hấp dẫn. Ở vòng “thả”, khi đến điểm xuất phát, người điều khiển dùng roi chọc vào mông bò và bò bắt đầu vận hết sức lực chạy đua nước rút để băng về đích, lúc này bò có thể chạy đến 80 - 90 km/giờ nên rất quyết liệt và hấp dẫn. Trường đua là một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m, được xới nhiều lần và phun nước vào để tạo độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò. Trong lúc đua, nếu người điều khiển bò trượt chân hoặc ngã xuống đất sẽ bị loại ngay. Cặp đôi bò này bị xử thua vì trong lúc đua đã chạy ra đường biên và phạm luật. Ở 2 vòng hô, lúc khởi động, người điều khiển cho bò chạy chậm để 2 bên thăm dò nhau, sau đó dồn hết sức cho vòng đua nước rút, tức vòng thả. Đoạn quyết định thắng bại chỉ ở trong khoảng 80 - 100 m cuối. Trong cuộc đua cũng có những cú ngã của cặp bò khiến cho bò và người điều khiển gặp phải chấn thương. Lễ hội đua bò ở An Giang được tổ chức tại 2 địa điểm là huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên. Từ sáng sớm, người dân đã đội nắng đến xem chật kín trường đua để cổ vũ cho các đội đua bò đến từ nhiều huyện của tỉnh An Giang. Năm nay cặp bò số 23 của ông Nguyễn Thành Toàn (xã Lương Phi) giành giải nhất của cấp huyện được tổ chức tại trường đua bò thuộc khu Thể thao - Du lịch Tà Pạ - Soài Chek (xã Núi Tô), Tri Tôn, An Giang.
Quang Vinh