Triển khai gói hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội: Vẫn tồn tại nhiều rào cản

T.Hằng – M.Sang 20/09/2022 07:24

Tính đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ là 350 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ.

Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ 2%. Ảnh: Quang Vinh

Ì ạch triển khai

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, con số này mới chỉ đạt 16% trong tổng gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giải ngân lớn nhất trong nhóm chính sách hỗ trợ thuế, chiếm 63% cơ cấu giải ngân. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đạt chưa đến 1% cơ cấu giải ngân…

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: sau 3 tháng triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, việc hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng.

Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng. Giải thích rõ thêm những con số còn khiêm tốn này, ông Hà cho hay, đối tượng hỗ trợ có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu một trong số đó thuộc diện được hỗ trợ thì có được hưởng gói này không, đó là vấn đề đặt ra.

Theo ông Hà, có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán.

Còn theo ông Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học quốc gia Hà Nội), hiện DN vẫn chưa tiếp cận được thông tin. DN lớn dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ qua văn bản chính thức, còn DN nhỏ lại tiếp cận thông tin qua kênh phi chính thức, nên rất “đói” thông tin.

Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng khó đáp ứng yêu cầu thủ tục hành chính, trong khi thời hạn thực hiện các gói hỗ trợ ngắn, chỉ 3 - 6 tháng. Ngoài ra, đối tượng hỗ trợ chỉ tập trung vào một số ngành nghề, trong khi nhiều ngành nghề đang thực sự khó khăn vẫn chưa được hỗ trợ kịp thời, trong đó có DN ngành du lịch.

“Hiện nhiều DN không mặn mà với gói hỗ trợ lãi suất 2%, vì phải đáp ứng nhiều điều kiện, thủ tục. Chưa kể, không nhiều DN có tài sản bảo đảm; các hợp tác xã chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh đang... đó là những là rào cản để DN có thể tiếp cận gói hỗ trợ” - ông Lê nhấn mạnh.

Cần chương trình hành động cụ thể

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhu cầu vốn của DN hiện nay rất lớn. DN cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu vốn của DN lớn hơn số cung mà ngân hàng có thể đáp ứng được, số lượng hồ sơ đang xếp hàng chờ được giải ngân vốn dài.

Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cộng đồng DN đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ DN phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ… Tuy vậy, giải ngân các gói hỗ trợ còn chậm. Một phần nguyên nhân do điều kiện, thủ tục phức tạp, trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu. Thời gian tới, VCCI đề xuất cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh.

Theo phản ánh của DN, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định, gây điểm nghẽn cho hoạt động của DN. Do đó, việc xây dựng các dự thảo luật, đặc biệt dự thảo luật có tác động sâu rộng như: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản cần tham vấn rộng rãi. Hoạt động tiếp thu, giải trình cần minh bạch, chất lượng để tạo niềm tin cho cộng đồng DN.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục giảm chi phí cho DN như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện - đầu vào quan trọng của doanh nghiệp; có biện pháp tháp gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho DN.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, cần có chương trình hành động cụ thể, thiết thực để nâng cao khả năng tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng sản xuất trong nước, xử lý vướng mắc chính sách liên quan quy tắc xuất xứ trong thực hiện các FTA.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN.

T.Hằng – M.Sang