Tuyển sinh đại học năm 2022: Để không còn cảnh điểm cao vẫn trượt
Từ tình trạng “lạm phát” điểm chuẩn ở khối C00 của mùa tuyển sinh năm nay ở một số ngành “hot” của các trường đại học (ĐH) cho thấy, cần có những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh ĐH những năm tới.
Tránh điểm kịch trần
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay công bố ngành có điểm chuẩn cao nhất theo phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là Công nghệ thông tin (Việt - Nhật) 27,25 điểm. Trường cho biết, có 5 chương trình tuyển sinh không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Theo lý giải của PGS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là 5 chương trình có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì sẽ đẩy điểm chuẩn những chương trình này lên “kịch trần”. Đây là những ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.
“Nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao” - ông Điền nói đồng thời cho biết, khi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh, trường chia theo ngành. Vì thế, với ngành công nghệ thông tin, có một số chuyên ngành không tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2022, trường vẫn tuyển đủ số tổng chỉ tiêu dựa vào phương thức thi tốt nghiệp THPT cho ngành này.
Cũng giữ kỷ lục nhiều năm có điểm trúng tuyển kịch trần, năm nay khối các trường công an nhờ tổ chức bài thi đánh giá tuyển sinh nên hạn chế được tình trạng này. Cụ thể, đề thi riêng có độ phân hóa và độ khó hơn so với đề thi tốt nghiệp THPT nên điểm thi và điểm trúng tuyển đã có sự thay đổi và phân hóa tốt so với năm 2021.
Như vậy, với việc xét tuyển bằng bài thi riêng hoặc kết hợp bài thi riêng và bài thi tốt nghiệp THPT, các trường sẽ tránh được tình trạng có điểm chuẩn kịch trần, thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp THPT gần tối đa vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng 1 nếu không có/có ít điểm ưu tiên.
Từ bức tranh tuyển sinh năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, những trường ĐH, ngành tuyển sinh bằng kỳ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.
Tự chủ tuyển sinh đại học vì chính các trường
Theo phân tích của TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, ở góc độ giáo dục, điểm xoay quanh mốc 9 là như nhau. Tuy nhiên, đã có những trường lấy điểm chuẩn gần kịch sàn, không phải chỉ 29 hay 29,5 điểm mà phải lên tới 29,9 điểm mới trúng tuyển - thực chất là để không vượt chỉ tiêu. Điều này dẫn tới có những thí sinh đạt 29 điểm (Lịch sử và Địa lý 10 điểm, Ngữ văn 9 điểm) và cộng điểm ưu tiên khu vực 0,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 như trường hợp thí sinh ở Bắc Giang. “Điểm cao cũng trượt là bất bình thường. Điểm trúng tuyển chạm trần làm cho việc tuyển sinh ĐH của Việt Nam trở thành kỳ dị trên bản đồ tuyển sinh ĐH thế giới và gây hoang mang, làm rối loạn định hướng của thí sinh, phụ huynh cho mùa tuyển sinh những năm tới” - ông Tùng nói.
Ngoài lý do được đưa ra là đề thi tốt nghiệp THPT dễ với cơn mưa điểm 10 ở môn Lịch sử, việc điểm chuẩn cao chạm trần còn có nguyên nhân là vì chỉ tiêu ít song số lượng nguyện vọng đăng ký quá cao, như trường hợp của một số ngành của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội); ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội…
Về phía các trường, GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, với đề thi, điểm thi THPT như hiện nay, nhiều trường ĐH, nhất là các ĐH lớn, uy tín chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT. Đồng thời, các trường buộc phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh, trong đó có các kỳ thi riêng, đánh giá năng lực là để tuyển các thí sinh có chất lượng vào ĐH - vì sự phát triển sống còn của chính trường ĐH.
Ông Đức cũng cảnh báo việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào ĐH khi đề thi cực dễ như những năm qua, cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề, có thể để lại những hệ lụy lâu dài với giáo dục Việt Nam.
Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng “giỏi ảo”. Đồng thời, các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng.
Từ góc độ người học, một điều dễ nhận thấy là các cơ sở đào tạo hiện nay đều sử dụng đa dạng các phương thức tuyển sinh. Mỗi thí sinh có nhiều cơ hội để trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích bằng cách tận dụng các phương án xét tuyển do các trường đưa ra. Khi chủ động với nhiều phương án và các bài thi khác nhau, thí sinh sẽ hạn chế được tình trạng may rủi của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện chỉ diễn ra duy nhất 1 lần/năm, nếu có những sơ sót sẽ không làm lại được mà phải chờ đến năm sau thi lại.
Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất:
Xu hướng không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Việc xét tuyển ĐH bằng các phương án tuyển sinh khác, không phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT là xu hướng cần thiết. Một trong những lý do là đề thi tốt nghiệp THPT không có nhiệm vụ phân hóa để tuyển sinh ĐH, các trường chỉ nên dùng kết quả tốt nghiệp THPT và điểm học bạ để sơ khảo mà thôi.
Ngành giáo dục nên đẩy mạnh xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập. Các trung tâm này sẽ tổ chức thi nhiều đợt trong năm như thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hiện nay. Thí sinh thi chưa thỏa mãn về kết quả có thể ôn tập để đăng ký thi lại.
Các trường có thể sử dụng kết quả của các kỳ thi này tương tự, như dùng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực hay đánh giá tư duy của một số cơ sở ĐH hiện nay để lên phương án tuyển sinh; cũng không nên quay trở lại tình trạng như trước đây trường nào cũng tổ chức thi gây tốn kém xã hội.