Nửa tháng, 3 trận bão tấn công Nhật Bản

Thanh Đức 20/09/2022 07:26

Ngày 19/9, Japan Times đưa tin: Ít nhất 60 người bị thương, 300.000 ngôi nhà bị mất điện khi cơn bão Nanmadol đổ bộ vào khu vực Kyushu. Mưa lớn xối xả cùng gió giật mạnh khiến hệ thống điện gián đoạn, giao thông xáo trộn, cùng hàng nghìn người phải sơ tán. Như vậy, trong vòng nửa tháng, Nhật Bản đã phải hứng chịu liên tiếp 3 trận bão.

Bão Nanmadol ập vào tỉnh Kagoshima (Nhật Bản).

Sau khi đổ bộ vào tỉnh Kagoshima, bão Nanmadol từng được nhận định là một cơn bão nguy hiểm chưa từng thấy, đã di chuyển về phía thành phố Fukuoka với vận tốc tối đa 126 km/h. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, lượng mưa lên tới 400 mm xuất hiện dọc hướng di chuyển của trận bão.

Khu vực Honshu, thủ đô Tokyo và tỉnh Kanagawa cũng nằm trọn trong vùng ảnh hưởng của bão Nanmadol. ANA Holdings và Japan Airlines - 2 hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã phải hủy gần 800 chuyến bay do ảnh hưởng của cơn bão. Trong ngày 19/9, Hãng tàu JR West cũng đã ngừng tất cả các chuyến tàu cao tốc giữa các ga Hiroshima và Hakata.

Cơn bão Nanmadol là cơn bão thứ 14 trong năm 2022. Ngay từ hôm 17/9, một cảnh báo đặc biệt về bão, triều cường và sóng đã được ban hành. Chính phủ đã hối thúc gần 2 triệu người trong vùng bão phải sơ tán để tránh siêu bão Nanmadol. Cơ quan Khí tượng quốc gia Nhật Bản (JMA) đã ban hành cảnh báo đặc biệt tại tỉnh Kagoshima, đảo Kyushu, miền nam nước này. Đây là lần đầu tiên cơ quan này đưa ra cảnh báo bão đặc biệt tại một khu vực ngoài tỉnh Okinawa.

Trước đó, đêm 12/9, bão Muifa đã gây mưa to và gió mạnh tại các đảo ở tỉnh Okinawa. Tốc độ gió tối đa của cơn bão lên tới 216 km/giờ. Cơn bão di chuyển chậm nên cho tới 2 ngày sau nó vẫn làm gián đoạn các hoạt động trong khu vực ảnh hưởng.

Bão Muifa đã gây ra lượng mưa kỷ lục trên đảo Hateruma với 357,5 mm trong vòng 24 giờ. Bão Muifa khiến hãng hàng không All Nippon Airways và Japan Airlines phải hủy các chuyến bay đến và đi từ các đảo Miyako và Ishigaki.

Trước đó chưa đầy 1 tuần, ngày 6/9, siêu bão Hinnamnor sau khi quần thảo Hàn Quốc đã áp sát đảo Kyushu ở phía tây nam Nhật Bản, kéo theo mưa xối xả và gió mạnh. Cơn bão hoành hành khiến đảo Kyushu bị mất điện trên diện rộng và hoạt động giao thông bị gián đoạn. Một người đàn ông khoảng 70 tuổi ở tỉnh Saga đã thiệt mạng sau khi rơi từ mái nhà trong khi gia cố ngôi nhà của mình.

Với cơn bão Hinnamnor, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo người dân về khả năng xảy ra lở đất và nước sông tràn bờ do mưa lớn. Trận bão này sau khi áp sát đảo chính Kyushu, đã quét qua tỉnh Shimane và các khu vực bờ biển phía tây Nhật Bản khi di chuyển qua eo biển Tsushima, rồi tan trên vùng biển Okhotsk, ngoài khơi vùng Viễn Đông của Nga.

Dự báo của Cơ quan khí tượng Nhật Bản, trong năm 2022, quốc gia này có thể phải hứng chịu 20 cơn bão (hiện đã là con số 14). Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, trong vòng 20 năm trở lại đây, số cơn bão nhiều lên và quy mô của nó cũng lớn hơn, cả về sức gió lẫn lượng nước. Các nhà môi trường cho rằng đó là do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Cũng do những hình thái thời tiết cực đoan, kể từ đầu năm 2022 tới nay, nhiều khu vực trên thế giới đã bị bão tấn công. Đặc biệt là tại châu Á, với miền nam Trung Quốc, Pakistan, Hàn Quốc... Hầu hết những trận bão khi đổ bộ vào đất liền đều có sức gió rất lớn, và sau khi tan thì hoàn lưu bão lại gây ra những trận mưa khủng khiếp, kéo dài.

Nhận định những tháng còn lại của năm 2022, Karuo Kenji - nhà khí tượng Nhật Bản cho rằng đất nước này vẫn phải chịu những trận bão, tuy rằng có thể sẽ không quá khủng khiếp. “Chúng ta đang dần trở thành vùng biển bão táp vì sự thất thường của thời tiết. Sự thực đó đòi hỏi phải tăng cường những biện pháp tự bảo vệ, không chỉ từ từng người dân mà quan trọng hơn là từ phía chính quyền” - ông Kenji nói.

Ngày 19/9, bão Fiona đổ bộ vào Puerto Rico, ngay lập tức nguồn điện trên đảo bị đánh sập, khiến 400.000 người bị ảnh hưởng. Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, cơn bão đã tấn công bờ biển phía tây nam của Puerto Rico với sức gió duy trì 140 km/h. Thống đốc Punta Tocon, ông Pedro Pierluisi cho biết do ảnh hưởng của cơn bão, hệ thống điện hiện không hoạt động. Tình trạng lũ lụt diễn ra trên khắp hòn đảo.

Các cảng của Puerto Rico đã phải đóng cửa và những chuyến bay xuất phát từ sân bay chính bị hủy bỏ. Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão Fiona, những trận mưa xối xả và lở đất cũng xảy ra tại Cộng hòa Dominica khi cơn bão ảnh hưởng tới khu vực tây bắc nước này, trong đó quần đảo Turks và Caicos có thể phải đối mặt với điều kiện bão nhiệt đới vào ngày hôm nay (20/9).

Puerto Rico là nơi phải hứng chịu nhiều thiệt hại lớn về cơ sở hạ tầng trong nhiều năm qua, đã bị ảnh hưởng bởi các cơn bão Irma và Maria vào năm 2017, tàn phá lưới điện trên diện rộng.

Thanh Đức