9 điểm/môn vẫn trượt đại học: Nên đổi mới tuyển sinh?

Nguyễn Hoài 20/09/2022 15:15

Tương tự như mùa tuyển sinh trước, điểm chuẩn vào nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh khiến nhiều thí sinh dù đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng phương thức tuyển sinh đại học cần thay đổi, tránh tình trạng bỏ lọt người tài.

Điểm cao chưa chắc đã thành công

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, từ ngày 18/9 đến 17h ngày 30/9, Bộ sẽ mở hệ thống để thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.

Theo quy định, trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống. Thí sinh không thực hiện quy trình này coi như từ chối cơ hội học tập đã trúng tuyển.

Với các thí sinh đạt điểm chuẩn trúng tuyển, cổng trường đại học đang rộng mở. Tuy nhiên, trong niềm vui đó, có nỗi buồn của nhiều thí sinh vì trượt đại học dù đạt tổng điểm rất cao. Thậm chí, có em đã trải qua đến 3 lần trượt đại học dù đạt trên 9 điểm/môn.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Năm 2022, thí sinh Nguyễn Linh (sinh năm 2022, Hải Phòng) đạt số điểm khối C00 môn Văn, Sử, Địa lần lượt là 8,25; 10; 9,75 và được cộng 0,25 điểm vùng. Tổng điểm là 28,25 nhưng Linh vẫn không đỗ nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Luật hà Nội. Linh cũng trượt luôn nguyện vọng 2 vì thiếu 0,25 điểm để đỗ vào chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Với mức điểm này, Linh đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 3 vào Trường Đại học Hải Phòng. Linh chia sẻ, đây là niềm vui an ủi sau 4 năm em miệt mài đèn sách, thi cử.

Kể về hành trình 4 năm dự thi tốt THPT, Linh cho biết, 3 năm đầu, em thi Học viện Biên phòng với số điểm là 20; 27,75; 27,75 điểm khối C00. Trong 3 năm nỗ lực học để nâng điểm từ 6 lên 9 điểm/môn không phải dễ dàng nhưng Linh vẫn không đạt kết quả như mong đợi khi vẫn trượt nguyện vọng vì không đạt tiêu chí phụ.

Trường hợp của Linh cũng là đại diện cho rất nhiều thí sinh khác trên cả nước, dù đạt điểm rất cao, trên 27, 28 điểm nhưng cũng không thể đỗ vào nguyện vọng mà mình mong muốn vì điểm chuẩn đại học trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây tăng cao ở một số trường top đầu, ngành đào tạo “hot”.

Đạt điểm cao nhưng vẫn có nguy cơ trượt đại học có phải bất thường trong tuyển sinh? Từ góc độ giáo viên phổ thông, thầy Lê Đình Hiển - giáo viên môn Lịch sử, Trường Liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT 2022 ở các môn thi khối C00 có phần nhẹ nhàng hơn những năm trước. Hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử, Địa lý những năm gần đây cũng giúp thí sinh dễ lấy điểm cao hơn.

Dù ghi nhận rằng hiện nay giáo viên đã quen dần với hình thức thi như hiện nay, thầy cô nỗ lực và cố gắng nhiều hơn, nên chất lượng giảng dạy được nâng lên, nhưng theo thầy Hiển, mức điểm thi và điểm chuẩn quá cao, gần như tuyệt đối cũng cho thấy đề thi tốt nghiệp THPT chưa có độ phân hóa cao.

“Điểm cao chưa chắc đã là thành công. Vì một kỳ thi học sinh đạt đến mức điểm gần tuyệt đối nhưng vẫn chưa thể trúng tuyển thì các em còn động lực nào để phấn đấu?”, thầy Hiển đặt câu hỏi.

Không nên quá phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT

Đánh giá về mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, những điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay phức tạp hơn mọi năm trong bối cảnh đề án tuyển sinh của các trường cũng có nhiều đổi mới khiến thí sinh theo dõi khó hơn.

Về điểm chuẩn, PGS.TS Trần Văn Tớp nhận định, năm nay điểm chuẩn có nhiều biến động. Tuy không thể so sánh điểm chuẩn giữa ngành này với ngành kia, khi không cùng một mặt bằng, một thang điểm, 1 thước đo, nhưng có một số ngành điểm chuẩn tăng mạnh, thậm chí gần 10 điểm so với năm ngoái thì sự chênh lệch này cũng là điều đáng suy nghĩ.

Thí sinh hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Văn Tớp nhắc lại giai đoạn tuyển sinh đại học cách đây chục năm trước. Thời điểm đó, điểm chuẩn chỉ 13, 14 điểm, thậm chí 11, 12 điểm đã đỗ đại học. Còn thời điểm hiện tại để đỗ đại học khó chấp nhận điểm số đó. Điểm chuẩn các trường phải từ 19, 20, đặc biệt các ngành top trên phải 29, hơn 29 điểm.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, dù chỉ tiêu các ngành này ít nhưng dù đề thi dễ hay khó thì việc thí sinh đạt tới điểm tiệm cận tuyệt đối là cả câu chuyện không dễ. Chuyên gia này cũng cho rằng, điểm cao là do cách đánh giá, xu hướng đề thi. Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 2 mục đích, xét tốt nghiệp THPT, đồng thời tuyển sinh đại học. Thế nên làm thế nào để đề thi vừa đáp ứng thi tốt nghiệp THPT vừa đảm bảo cho các trường đại học đại học là câu hỏi khó.

“Khi hầu hết các trường tuyển sinh còn phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT thì câu chuyện về đề thi, điểm chuẩn chuẩn vẫn sẽ lặp đi, lặp lại hằng năm”, PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, các trường không nên quá phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp, chuyển hướng sang những phương thức tuyển khác, đặc biệt là các kỳ thi riêng.

Đánh giá toàn cảnh điểm chuẩn năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận, những trường đại học, ngành tuyển sinh bằng kỹ thi riêng, không còn phụ thuộc 100% vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 đã phần nào kiểm soát được mức độ lạm phát của điểm chuẩn. Điển hình như điểm chuẩn 8 trường khối ngành công an đều giảm mạnh so với năm 2021, hay điểm vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... đều giảm đáng kể. Điều này cho thấy định hướng xây dựng các kỳ thi riêng đang đúng hướng, các trường cần phát huy tốt hơn trong mùa tuyển sinh năm sau.

Mặt khác, với những ngành điểm chuẩn vẫn gần kịch trần, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, Bộ GDĐT cần tính toán lại việc ra đề thi năm sau, siết lại các kiến thức trong đề thi tốt nghiệp THPT để tránh tình trạng "giỏi ảo".

Nguyễn Hoài