Tuyển sinh đại học: Mức điểm thấp vẫn chưa đủ chỉ tiêu

Thu Hương 21/09/2022 08:20

Trong khi nhiều ngành điểm chuẩn kịch trần thì có những ngành mùa tuyển sinh nào điểm chuẩn cũng ở ngưỡng chạm sàn, khó thu hút người học.

Ảnh minh họa.

Điểm chạm sàn

Trường Đại học (ĐH) Tài nguyên và Môi trường thông báo, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm nay có đến 9/23 chuyên ngành lấy mức điểm 15. Đây đều là những ngành được xem là thế mạnh đào tạo của nhà trường, như ngành Quản lý biển, Khí tượng thủy văn, Thủy văn học...

Trường ĐH Thủy lợi thông tin, dù điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT nhiều ngành của trường tăng song một số ngành khoa học đặc thù phục vụ cơ sở hạ tầng cho đất nước vẫn ở mức thấp như Kỹ thuật cấp thoát nước (17 điểm); Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (17,35 điểm); Kỹ thuật tài nguyên nước (17,35 điểm). So với ngành cao nhất của trường, thấp hơn khoảng 9 điểm.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các nhóm ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Quản lý đất đai và bất động sản, Thủy sản, Xã hội học lấy điểm chuẩn thấp nhất 15, tương đương với mức điểm chuẩn thấp nhất năm 2021.

Trường ĐH Mỏ - Địa chất, một số ngành đào tạo chủ chốt, có truyền thống của nhà trường như: Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật địa chất, Quản lý đất đai, Địa chất học… có điểm chuẩn chỉ đạt mức từ 15 điểm, thấp hơn 8 điểm so với điểm chuẩn ngành có đầu vào cao nhất.

Ở khối ngành Y Dược năm nay cũng ghi nhận mức điểm trúng tuyển giảm nhiệt so với năm 2021. Các trường đều không có ngành nào tăng điểm chuẩn so với năm ngoái, thậm chí Trường ĐH Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 19,05 nhưng hiện mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.

Làm sao để hút thí sinh?

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, một số ngành của trường năm nay cao hơn năm trước, như Luật kinh tế có điểm chuẩn 27 điểm, nhóm ngành Công nghệ thông tin 26 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất là 18 điểm với 1 số ngành khó tuyển.

“Để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường quyết định không hạ điểm so với điểm sàn. Đồng thời, sẽ tuyển bổ sung thêm với 9 ngành vốn khó tuyển như Công nghệ dệt, may, nhóm ngành Quản lý tài nguyên môi trường, Quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông… Điểm nhận hồ sơ là 19 điểm” - ông Nhân thông tin.

Để hút thí sinh ở những ngành khó tuyển, đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cho biết, đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đặt hàng đào tạo, các kỳ thực tập, kiến tập, học kỳ doanh nghiệp... Sự phối hợp này đã trở thành cánh tay nối dài giữa sinh viên - doanh nghiệp - nhà trường, giúp sinh viên học nghề không mất phí, thậm chí còn có lương, sau khi tốt nghiệp sẽ được bố trí việc làm ngay. Nhà trường đã ký kết ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, trong đó có những doanh nghiệp hàng năm sẽ tài trợ học bổng toàn phần cho sinh viên cũng như hỗ trợ sinh viên trong việc thực tập tốt nghiệp, trao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường, thậm chí từ năm thứ nhất đã đến trường để tuyển chọn, đào tạo và trả lương cho sinh viên.

Thực trạng nhiều ngành học trọng điểm cần nhân lực nhưng không tuyển được người học diễn ra từ nhiều năm nay. Dù các trường đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hút người học nhưng sự chuyển biến vẫn chưa nhiều.

Trong khi đó, lựa chọn ngành học là quyền của người học và xu hướng người học chọn ngành “hot” theo các chuyên gia tuyển sinh sẽ khó thay đổi. Vì vậy, để duy trì hoạt động, nhiều cơ sở đào tạo có ngành học đặc thù (không có sức hút với thí sinh) phải tự thay đổi, cân bằng hoạt động đào tạo bằng việc mở thêm các ngành học thuộc nhóm ngành khác theo nhu cầu xã hội để “nuôi” những ngành ít thí sinh đăng ký. Bên cạnh đó, để tạo sức hút nhóm ngành đặc thù, nhiều trường như Trường ĐH Mỏ - Địa chất có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT nhìn nhận, đa số các trường ĐH của Việt Nam hiện đang tuyển sinh theo định hướng chỉ tiêu, tức là đưa ra một thước đo (ví dụ tổng điểm thi 3 môn Toán, Lý, Hóa), rồi ấn định mức đo (điểm chuẩn) để tuyển cho đủ chỉ tiêu kế hoạch. Thế nên có tình trạng đặt ngưỡng 29,0 thì dư thừa, phải nâng lên 29,5 để không vượt chỉ tiêu. Hoặc ngược lại hạ mãi mà vẫn thiếu.

Với định hướng chất lượng, các trường quy định “sàn chất lượng” cho trường độc lập với chỉ tiêu, chấp nhận ngay cả khi tuyển không đủ chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch và sẽ bị phạt vào năm sau. Không thỏa hiệp với chất lượng, nhưng mềm dẻo với chỉ tiêu kế hoạch cũng là nội dung tự chủ trong việc tuyển sinh của nhà trường. Hiện chỉ rất ít trường ĐH của Việt Nam theo định hướng này.

Thu Hương