Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Khắc phục vướng mắc, tăng cường minh bạch
Ngày 20/9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án luật lần này có nhóm các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Theo đó, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp chỉ định thầu nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để áp dụng trong các trường hợp cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm như: gói thầu phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; gói thầu thuộc các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn; gói thầu thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho biết, sửa đổi, bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng làm rõ, phân định cụ thể các trường hợp, điều kiện áp dụng chỉ định thầu và điều kiện áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đẩy mạnh phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định về danh mục, quy trình lựa chọn nhà thầu đối với trường hợp gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên của các cơ quan nhà nước có phạm vi áp dụng chung trên cả nước.
Đáng chú ý, bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng tốt, tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.
Thẩm tra dự án luật, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc bổ sung quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là trường hợp đặc biệt, thế nào là đặc thù; đồng thời cần quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, vừa qua nổi lên tình trạng về tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu. “Có nguyên nhân do luật không? Luật đã có những quy định nào để sửa đổi, tập trung khắc phục để chống tham nhũng, tiêu cực, gian lận trong đấu thầu? Chỉ định thầu đúng ra phải càng ngày thu hẹp lại nhưng luật lại mở ra. Chỉ nên chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, đầu tư mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trong trường hợp khẩn cấp. Do đó cần quy định chặt để tránh lạm dụng, và quy định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt” - bà Nga đặt vấn đề.
Cùng chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, vừa qua trong đấu thầu mua sắm tập trung nhưng tình trạng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế gặp khó khăn. “Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt mà vẫn khan hiếm, vậy luật cần khắc phục vấn đề này như thế nào?” - ông Thanh nêu rõ.
Cùng tham gia với Ủy ban Tài chính ngân sách để thẩm tra dự án luật, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, dự án luật đã bổ sung đấu thầu trong lĩnh vực y tế để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên theo bà Anh, cần nghiên cứu xử lý những bất cập như hàng hóa liên quan đến vaccine, thuốc, sinh phẩm y tế...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều vấn đề chưa có những quy định mới, vẫn là những quy định cũ. “Kết quả giảm giá sau đấu thầu vẫn rất thấp. Vậy tại sao có tình trạng này? Và luật khắc phục tình trạng này thế nào? cái nào do luật pháp, cái nào do tổ chức thực hiện? Nếu có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu, tham nhũng, tiêu cực vậy luật khắc phục tình trạng này thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng ngày, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đây là nội dung sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) tới. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án luật này.
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đã tạo khung khổ pháp lý để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã. Sau 10 năm thực hiện luật đã tác động tích cực đến hoạt động của các hợp tác xã, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, chưa bao quát đầy đủ các loại hình tổ chức kinh tế tập thể. Đồng thời cần sửa đổi luật để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã.