Giá xăng giảm: Người dân chưa trọn niềm vui
Hôm nay (21/9), giá xăng được dự báo điều chỉnh giảm tiếp. Giá xăng đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay làm vơi gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mặt bằng giá cả hàng hóa tăng khi giá xăng tăng cao lại chưa có dấu hiệu giảm.
Cánh xe ôm đã “dễ thở” hơn
Anh Hà Mạnh Hùng (một tài xế xe công nghệ) đang ở trọ thuê tại ngõ 66 Ngọc Thụy (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, giai đoạn này chạy xe ôm không còn dễ kiếm như xưa. Một phần mọi người ai cũng có phương tiện cá nhân riêng, phần nữa chi phí cho xe bao gồm khấu hao, xăng, thuế đóng cho grab quá cao, nếu mỗi ngày không cố chạy được 1 triệu đồng thì xem như tháng đó không dành dụm được gì.
Anh Hùng cũng cho hay, tại thời điểm giá xăng vượt 30.000 đồng/lít và tăng đến 33.000 đồng/lít, không chỉ riêng anh mà rất nhiều tài xế xe công nghệ cũng như taxi truyền thống đã phải chấp nhận ngừng chạy xe do thu nhập không đủ để bù lại xăng xe và khấu hao.
“Giá xăng tăng cao trong khi khí hậu nắng nóng, xe phải mở điều hoà liên tục cũng như tắc đường khiến nhiên liệu tiêu hao nhanh, tỷ lệ khấu trừ của các hãng xe cũng không hề nhỏ khiến cho mức thu không đủ bù chi, chúng tôi đành phải dừng chạy xe trong một thời gian. Chỉ đến khi giá xăng giảm bớt tôi mới dám chạy xe trở lại để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” - anh Hùng chia sẻ.
Ngay thời điểm hiện tại, giá xăng về 22.000 đồng/lít, đổ đầy bình hết gần 1 triệu đồng cũng chỉ chạy được một ngày. Quan trọng hơn, khi giá xăng về mức thấp, giá cước taxi giảm, khách hàng cũng chọn đi taxi nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Long (62 tuổi) chạy xe ôm truyền thống ở cổng Bến xe Kim Mã (Hà Nội) chia sẻ, cùng một quãng đường từ Bến xe Kim Mã đến bệnh viện Mắt Trung ương, thời điểm hiện tại có giá 25.000 – 30.000 đồng tùy từng khách hàng, nhưng giá xăng tăng đỉnh điểm lên đến 33.000 đồng cũng chỉ dám lấy 35.000 đồng. “Giá xăng tăng cao, nhiều người chọn phương tiện đi lại bằng xe buýt thay vì đi xe ôm. Giá xăng giảm, nếu chịu khó đi sớm về khuya mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng – 400.000 đồng/ngày, gấp rưỡi so với thời điểm giá xăng lập đỉnh hơn 30.000 đồng/lít”- ông Long nói.
Nhiều tài xế kiếm sống bằng nghề xe ôm cũng bày tỏ hy vọng thời gian tới, giá xăng tiếp tục giảm để nghề kiếm cơm của các cánh tài xế bớt khó khăn hơn.
Khác với lĩnh vực giao thông vận tải chịu tác động trực tiếp của việc tăng - giảm giá xăng dầu, đến nay, giá hàng ăn, giá thực phẩm vẫn chưa có dấu hiệu hạ như kỳ vọng. Ghi nhận thực tế tại Hà Nội cho thấy, giá thực phẩm vẫn giữ nguyên so với thời điểm tháng 7.
Xăng giảm 11 lần, giá hàng hoá vẫn bất động
Theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ, giá thịt lợn vẫn ở mức cao như cách đây khoảng 2 tháng. Thịt nạc vai, ba chỉ 120.000 đồng/kg; móng giò từ 80.000 đồng/kg; thịt bò 280.000 đồng/kg. Với mặt hàng rau xanh, giá cải xanh 25.000 đồng/kg, cải chíp 25.000 đồng/kg, rau muống 12.000 đồng/mớ đã nhặt sẵn. Tuy nhiên, đắt hơn cả là các loại rau gia vị, hành lá 65.000 đồng/kg – 80.000 đồng/kg.
Chị Trần Khánh Linh (phố Hàng Mã, Hà Nội) khẳng định, từ đầu năm đến nay đi chợ muốn mua hành lá, mức thấp nhất tiểu thương bán là 5000 đồng, mà cũng chỉ lèo tèo được vài cây, còn vào siêu thị hành lá gói sẵn cũng 7000 – 9000 đồng/ bó nhỏ.
Trong khi đó một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa có ki ốt ở chợ Gia Lâm khẳng định, các mặt hàng không giảm giá thậm chí một số hàng còn tăng nhẹ. Chẳng hạn, sữa Vinamilk hộp 180 ml tăng 10.000 đồng/thùng, lên giá 345.000 đồng/thùng; Mì chính, đường tăng giá nhẹ thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg lên lần lượt là 65.000 đồng/kg và 22.000 đồng/kg.
Với mặt hàng mì ăn liền sau khi thiết lập mặt bằng giá mới cách đây vài tháng thì sản phẩm này vẫn giữ ổn định ở mức cao. Mì Hảo Hảo bán ra 108.000 -110.000 đồng/thùng; mì Omachi 215.000 đồng/thùng; mì Cung Đình 215.000 đồng/thùng; mì Kokomi 65 là 80.000 đồng/thùng…
Đại diện một siêu thị tư nhân ở Hà Đông cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá bán từ các nhà phân phối. Giá bán các hàng hóa khác vẫn được giữ nguyên như khi giá xăng dầu đứng ở mức đỉnh như hồi tháng 7.
Nguyên nhân khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chịu giảm được cho là do giá nguyên vật liệu sản xuất trên thế giới vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, thời gian qua giá dầu giảm ít hơn, thậm chí còn cao hơn giá xăng mà dầu được sử dụng nhiều trong sản xuất, vận tải nên tác động nhiều đến giá thành hàng hóa.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giá hàng hóa giảm ngay sau khi điều chỉnh giá xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ.
“Tôi cho rằng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể còn hàng tồn nhập từ đợt giá xăng cao hơn nhưng giá không thể cứ đứng im 1 tháng, 2 tháng trong khi mức giảm giá xăng vừa rồi là khá sâu. Việc xuống giá của hàng hoá cần phải được xem xét để đảm bảo tác động của việc giảm giá xăng dầu đi vào cuộc sống” - ông Thịnh nêu quan điểm.
Giải tỏa gánh nặng tâm lý
Giới chuyên gia khẳng định, khi nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ như kiểm tra giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước nhằm bình ổn thị trường xăng dầu, giá xăng dầu ổn định chắc chắn sẽ kìm được đà tăng của lạm phát, quan trọng hơn là ổn định được tâm lý người dân.
Tính đến nay, giá mặt hàng xăng trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 11 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đang ở mức 22.000-24.300 đồng/lít, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Lũy kế hơn hai tháng qua, xăng RON 95 đã giảm hơn 10.560 đồng/lít; E5 RON 92 giảm 9.500 đồng/lít...
Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy bình quân giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/9 ở mức 105,3 USD/thùng xăng RON 95, xăng RON 92 ở mức 101,1 USD/thùng, dầu diesel ở mức 129,2 USD/thùng. Hiện, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang thấp hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 150-350 đồng/lít, còn dầu diesel, dầu hỏa khoảng 1.600-1.800 đồng/lít.
Ngoài ra cũng theo nhìn nhận của giới chuyên gia, khi giá xăng giảm, các chi tiêu cho hộ gia đình cũng giảm, nhờ đó người dân có thể tích lũy được.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thái (Đông Mác - Hà Nội) cho biết, khi giá xăng dầu thấp, chi tiêu sinh hoạt của gia đình 4 người lớn và 2 trẻ nhỏ (không bao gồm tiền học) hết khoảng 12 triệu đồng/tháng. Khi xăng dầu đồng loạt tăng giá, giá thịt lợn tăng, giá rau cũng tăng, khoản chi tiêu hàng tháng đã lên khoảng 14 triệu đồng/tháng. Do đó bà Thái cũng như rất nhiều người dân rất mong muốn giá xăng, dầu giảm để các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ có cơ hội giảm theo.
Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thông thường các doanh nghiệp tính toán, khi giá xăng dầu giảm nếu giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì lại sợ rằng sau này khó tăng giá lên. Vậy nhưng theo ông Lực, giá hàng hoá có thể giảm chậm nhưng không thể mất thời gian nhiều tháng như hiện nay. Đáng ra giá hàng hoá phải được điều chỉnh sau vài tuần khi giá xăng giảm.
Ông Lực cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng sát sao hơn nữa. Mặc khác, điều rất quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân. “Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn giữ nguyên; khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, nếu không người dân sẽ cảm thấy nản lòng vì kiến nghị nhiều mà không được xử lý” - ông Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành và bình ổn giá phù hợp.
TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Cần tăng cường kiểm soát giá
Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Ứng phó với các biến động
Rất khó để dự đoán được giá dầu, bởi các yếu tố cơ bản dựa vào để dự báo đều khó đoán định. Như vậy, điều cần làm là ứng phó với các biến động. Cụ thể, trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định giá nhiên liệu. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính rà soát các chính sách về thuế với sản phẩm năng lượng, xăng dầu… Ngoài các giải pháp hỗ trợ các chi phí cấu thành, còn đề cập tới việc đảm bảo năng lượng dự trữ, xây dựng các kho dự trữ năng lượng, nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới…T.Hằng (ghi)