Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy: Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm
Lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi đang tăng cường công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Qua đó, những cơ sở kinh doanh nào không đảm bảo an toàn, vi phạm về PCCC sẽ bị xử lý và đình chỉ hoạt động.
Theo Trung tá Nguyễn Hợp - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 200 cơ sở kinh doanh karaoke. Lần này lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra toàn bộ và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức, cán bộ phụ trách địa bàn nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra các vi phạm về cháy, nổ nghiêm trọng.
“Chúng tôi lập biên bản vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về quy định PCCC, trường hợp nào vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ cháy, nổ cao sẽ đình chỉ hoạt động” - Trung tá Hợp nói.
Trong những ngày qua, riêng Công an TP Quảng Ngãi đã tiến hành kiểm tra 40 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn. Sau đó, lực lượng công an đã hướng dẫn các chủ cơ sở có biện pháp khắc phục thiếu sót trong PCCC; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và bảo trì, bảo dưỡng phương tiện PCCC.
Như qua kiểm tra tại quán karaoke Hồng Tri tại đường Trần Quang Diệu, thuộc phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi, lực lượng công an đã phát hiện một số sai phạm về công tác PCCC như không trang bị đầy đủ các bình chữa cháy trong phòng và hành lang, hệ thống dây điện còn sơ sài, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Lý giải về vấn đề không trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, ông Nguyễn Thành Tri - chủ quán karaoke Hồng Tri cho rằng, sau dịch Covid-19, quán ít khách nên chưa đầu tư trang thiết bị trở lại. Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra xong sẽ đầu tư mua bình cứu hỏa mini đầy đủ và sửa chữa lại hệ thống điện trong phòng hát để đảm bảo an toàn theo đúng quy định. Đây cũng là những ý kiến mà các cơ sở vi phạm đã nêu ra để bào chữa cho thiếu sót, sai phạm của mình trong công tác PCCC tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.
Anh Nguyễn Thanh Ngọc - trú TP Quảng Ngãi cho hay, các quán karaoke ở trên địa bàn thành phố tập trung đông người đến vui chơi, giải trí. Đó là quyền tự do vui chơi của họ, nhưng do tình trạng khách hàng thắp nến tổ chức tiệc sinh nhật, hút thuốc lá… diễn ra phổ biến. Trong khi đó, đặc điểm chung của các phòng hát là thiết kế cửa hẹp, cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như cao su non, xốp. Khi cháy, lửa bùng phát mạnh, sinh ra khí độc, gây ngạt khí, tử vong.
“Tôi mong, các chủ cơ sở kinh doanh karaoke dán biển hướng dẫn PCCC cho khách hàng, đồng thời bố trí còi bấm báo hiệu cháy để khi có sự cố, khách hàng trong phòng hát biết để chạy ra ngoài kịp thời an toàn. Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra công tác PCCC, xử lý các cơ sở sai phạm có thể dẫn đến những hậu quả khó lường” - anh Ngọc nói.
Theo số liệu thống kê của cơ quan công an, tại Quảng Ngãi, các vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn chủ yếu là do chập điện. Khả năng chữa cháy của nhân viên tại cơ sở kinh doanh còn nhiều hạn chế, trong khi đó, các cơ sở kinh doanh karaoke thường nằm trong các tuyến phố lớn, trong khu vực đông dân cư, sát với các hộ dân liền kề, nếu xảy ra các vấn đề cháy, nổ mà không kịp thời xử lý, kiểm soát được đám cháy, dễ gây ra hậu quả nặng nề.
Ngoài ra, tại các quán karaoke thường có biển quảng cáo lớn bên ngoài bịt kín ban công, lối thông gió, gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận đám cháy và tổ chức CNCH. Do đó, trong công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, việc trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, vòi phun nước chữa cháy... và tập huấn kỹ năng PCCC cho bộ phận quản lý, nhân viên cơ sở là rất cần thiết.
Thượng úy Trương Thanh Mỹ - Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP Quảng Ngãi cho biết: “Có cơ sở kinh doanh được trang bị bình chữa cháy nhưng trong quá trình hoạt động thì các bình chữa cháy đó bị hỏng, tuy nhiên nhân viên tại cơ sở đó không được tập huấn và tìm hiểu kỹ năng PCCC thì không nhận biết được bình chữa cháy đó bị hỏng, nên khi có vấn đề về cháy, nổ xảy ra thì bình chữa cháy đó không hoạt động được”.
Được biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 4674/UBND-NC, ngày 16/9/2022 về việc tăng cường công tác PCCC-CNCH tại cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đảm bảo an toàn về PCCC-CNCH.
Trong văn bản nói trên đã nhấn mạnh “tăng cường chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền sâu rộng, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc trong công tác tuyên truyền giám sát để hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke trở thành hoạt động giải trí lành mạnh”.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có Kế hoạch số 101/KH-UBND nêu cụ thể về việc tăng cường công tác PCCC-CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Sau ngày 20/9 những sai phạm sẽ được các cơ quan chức năng xử lý, nhưng rõ ràng việc kiểm tra PCCC trong giai đoạn này là vô cùng cần thiết vì đã có những vụ cháy rất nghiêm trọng dẫn đến chết người và thiệt hại về tài sản. Cần phải chấn chỉnh lại công tác PCCC, nhất là PCCC trong các cơ sở kinh doanh karaoke.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 24 vụ cháy, làm chết 2 người, thiệt hại tài sản hơn 7 tỷ đồng. Bên cạnh nguyên nhân xảy ra cháy do sơ hở, thiếu sót trong quản lý và thực hiện công tác bảo đảm an toàn PCCC thì đa số các vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do người dân và người lao động thiếu kiến thức, còn chủ quan, lơ là hoặc chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC.