Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Chỉ thị số 16/CT-TTg về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế.Ngành Y tế là ngành có sứ mệnh đặc biệt trong chăm lo sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững đất nước. Thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn thể cán bộ, người lao động ngành Y tế cả nước đã có nỗ lực lớn, làm nòng cốt trong phòng, chống dịch COVID-19, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp đặc thù ngành (kể cả giải pháp nhằm giữ và thu hút nguồn nhân lực) đối với cán bộ y tế; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.
Các bộ, ngành, trước hết là Bộ Y tế, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo việc khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ quán triệt đầy đủ, sâu sắc một số quan điểm sau:
Tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Làm việc phải thực chất, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ, làm theo lời dạy Bác Hồ, không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn.
Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đầu tư, dành nhiều thời gian chỉ đạo, nguồn lực hơn, tích cực hỗ trợ ngành Y tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Phát huy tinh thần đoàn kết, đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân.
Đồng thời, tiếp tục tập trung, quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về y tế; quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế; bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy mạnh giải ngân, đổi mới tài chính, bảo hiểm y tế; phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng cường kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính y tế; phát triển công nghiệp dược, vaccine, trang thiết bị y tế
Đối với công tác đổi mới và nâng cao hiệu quả thông tin, truyền thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền theo tinh thần "truyền thông chủ động, đi trước" để toàn xã hội đồng thuận, tham gia thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đặc biệt là thông tin về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch, tiến độ tiêm vaccine; kịp thời phản bác, đấu tranh chống các luận điệu, thông tin xấu độc; khẳng định sự nỗ lực, thành quả rất cơ bản của toàn Ngành Y, củng cố hình ảnh "thầy thuốc như mẹ hiền".
Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và Nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế, góp phần đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng và Nhân dân ấm no, hạnh phúc.