Vì sao nhiều dự án hạ tầng dang dở?
Hầu hết các dự án hạ tầng đô thị thực hiện theo hình thức PPP (vốn công-tư) ở TPHCM đều gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, nguồn vốn. Nhiều dự án đã buộc phải dừng đầu tư, chuyển sang hình thức khác. Trong khi đó, hàng loạt dự án còn lại, với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng cũng phải “mắc kẹt”...
Dừng đầu tư nhiều dự án
TPHCM đã quyết định dừng 4 dự án hạ tầng đang triển khai theo hình thức PPP. Thực tế, trước đây khoảng 3-4 năm, các dự án trên đều đã gặp vấn đề và gần như “trùm mền”, không thi công. Cụ thể, các dự án này sẽ được nghiên cứu đề xuất chuyển qua hình thức đầu tư khác.
Trong 4 dự án trên, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân). Đây là cây cầu quan trọng nhưng bị mưa cuốn sập khoảng 6 năm trước. Sau đó doanh nghiệp đầu tư dự án cải tạo tuyến quốc lộ 1A đoạn An Sương-An Lạc (IDICO) xin xây dựng cầu này theo hình BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) với mục đích ghép vào thu phí tuyến An Sương-An Lạc hiện hữu.
Khi được TPHCM chấp thuận và cho phép xây dựng, doanh nghiệp đã thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng một số hạng mục. Tổng nguồn vốn của dự án là gần 670 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện được 70% khối lượng công trình, dự án này bộc lộ kẽ hở pháp lý là cầu Tân Kỳ - Tân Quý chỉ nằm sát quốc lộ 1A chứ không thuộc quốc lộ 1A. Vì vậy, các phương tiện ô-tô di chuyển và nộp phí xây dựng cầu này nhưng không đi qua cầu là rất phổ biến. Vì vậy, dự án đã bị tạm dừng khoảng 4 năm qua.
Cũng chịu chung số phận như cầu Tân Kỳ - Tân Quý là các dự án xây dựng cầu Bình Triệu 2 với số vốn khoảng 2.300 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của PV, dự án này được thực hiện theo hình thức BOT, doanh nghiệp tư nhân đã bỏ tiền ra hoàn thành một số hạng mục sửa chữa, cải tạo dự án. Khi dự án bị dừng doanh nghiệp đã gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn thực hiện đang đi vay từ ngân hàng.
Ngoài ra, dự án xây dựng cầu Bình Tiên với nguồn vốn hơn 2.600 tỷ đồng được phê duyệt đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao). Thực tế dự án này chưa gặp các vấn đề thiệt hại vì chưa có doanh nghiệp chính thức bỏ tiền đầu tư xây dựng.
Cuối cùng là dự án đường nối đường Võ Văn Kiệt và cao tốc TPHCM-Trung Lương do công ty Yên Khánh đầu tư cũng bị hủy bỏ vì những vi phạm pháp luật liên quan.
Trao đổi với PV, ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý các công trình xây dựng giao thông TPHCM cho biết 2 dự án xây cầu Bình Tiên và cầu Tân Kỳ - Tân Quý đã được thống nhất chuyển qua hình thức đầu tư công. Hiện thành phố đang tích cực đàm phán với chủ đầu tư cũ để giải quyết vướng mắc, trước khi tiếp tục hoàn thành dự án. Còn các dự án khác, thành phố đang phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ.
Nhiều dự án “chờ dài cổ”
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TPHCM, thành phố hiện có khoảng 20 dự án hạ tầng đang được đầu tư theo hình thức PPP, trong đó chủ yếu là hình thức BT (11 dự án) và 7 dự án BOT với tổng nguồn vốn khoảng 49.000 tỷ đồng. Dù không phải dừng và trên danh nghĩa vẫn đang triển khai nhưng thực tế hoạt động của nhiều dự án này gần như “trùm mền”, không thi công hoặc liên tục lùi thời gian hoàn thành.
Trong đó, dai dẳng nhất là dự án xây dựng đường nối Phạm Văn Đồng và nút Gò Dưa (TP Thủ Đức) dài 2,7km với nguồn vốn là 2.700 tỷ đồng theo hình thức BT. Đây là dự án nằm trong tuyến đường Vành đai 2, khởi công năm 2017 nhưng sau khi hoàn thành khoảng 45% khối lượng công trình thì tạm ngưng từ năm 2020 tới nay.
Theo chủ đầu tư dự án, do vướng mắc thủ tục pháp lý, dự án tạm dừng không thi công sau khi đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng, khiến thiệt hại của chủ đầu tư rất lớn, gồm tiền hư hỏng vật liệu, bảo quản, lãi phát sinh... lên đến 230 tỷ đồng/năm.
Cũng vướng mắc về thủ tục triển khai là dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT. Với kỳ vọng chống ngập cho hàng chục quận, huyện ở thành phố khi khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng dự án sau khi hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc đã tạm ngưng nhiều năm qua. Chưa có thống kê thiệt hại chính thức từ chủ đầu tư nhưng với nguồn vốn khổng lồ của dự án, rất nhiều thiệt hại khi phải tạm dừng thời gian lâu như vậy. Điều đáng nói, các dự án trên đều chưa biết khi nào tháo gỡ được thủ tục đầu tư để tiếp tục triển khai, thi công trở lại.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2016-2020, thông qua 22 hợp đồng PPP đã ký kết, thành phố huy động được 64.244 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế. Hiện nay, TPHCM có 6 dự án PPP đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị của thành phố.