Những 'cột mốc' bảo vệ vùng biên

Phương Nguyên 22/09/2022 06:25

Mặc dù cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn nhưng bằng những việc làm cụ thể, những già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc. Họ được ví như những “cột mốc sống”, canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Người có uy tín huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên tuyên truyền tới người dân trong bản về chủ quyền biên giới quốc gia. Ảnh: Diệp Chi.

Điện Biên có 1.246 người có uy tín. Trong những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã gương mẫu trong mọi phong trào cũng như tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Đặc biệt, hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có hàng trăm tập thể, cá nhân đăng ký tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Đây được xem là những “cột mốc sống” quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nhờ sự đóng góp quan trọng của những già làng, người có uy tín mà những năm qua, tình hình an ninh khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh ổn định.

Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, những người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã trở thành cầu nối, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Hạng Dụ Chúng ở bản Hồ Chim, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) cho biết, người dân ở vùng biên phải tạo dựng sức mạnh như bó đũa, đồng tâm, đồng sức mới có thể bảo vệ vùng biên vững mạnh. Nghĩ thế, ông vận động người dân trong bản đoàn kết, chung sức, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế, khó khăn trong cuộc sống.

Từ sự quan tâm, chia sẻ nên bà con luôn gắn bó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. “Nhờ tinh thần đoàn kết, người này bảo người kia, rồi nhà nhà, người người tham gia tổ tự quản nên việc giữ gìn đường biên, cột mốc đã trở thành phong trào rộng lớn, thu hút đông đảo bà con các dân tộc. Từ khi bà con chung tay đi tuần tra, canh giữ cột mốc thì tình trạng mua bán ma túy cũng giảm hẳn, an ninh trật tự được đảm bảo, bà con dân bản yên tâm làm ăn nên kinh tế ngày càng phát triển” - ông Chúng cho hay.

Với suy nghĩ bảo vệ đường biên, cột mốc cũng là bảo vệ đất đai của tổ tiên và gia đình mình, ông Lý Xuyến Phù ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đã dành nhiều thời gian tham gia cùng với các tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải đi kiểm tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Ngoài việc phát quang cây cỏ, bụi rậm xung quanh cột mốc, ông Phù còn kiểm tra tỉ mỉ để kịp thời phát hiện các dấu hiệu khác thường ở đường biên, cột mốc và báo cáo ngay cho Đồn Biên phòng A Pa Chải. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, ông Phù còn là tuyên truyền viên tích cực đến từng hộ gia đình trong bản về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của việc này.

Nhiều năm liên tục được người dân tin tưởng bầu là người có uy tín, những lời nói của ông Phù luôn có sức thuyết phục với bà con, với người dân nước bạn trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Do đó, không chỉ tích cực đi đầu trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, với vai trò là người có uy tín của bản, ông Phù còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã cùng chung tay, góp sức thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị. Bởi với ông Phù, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới cũng đồng nghĩa với bảo vệ ngôi nhà của chính mình, phải làm bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm và bằng cả tấm lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha.

Ông Lò Văn Mừng - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào DTTS đã thật sự phát huy vai trò của mình và có những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, thôn bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như thực hiện tốt chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, người có uy tín còn tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị và chính quyền ở cơ sở vững mạnh. Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phối hợp và kịp thời phát hiện, thông báo tới cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, trật tự an ninh xã hội trên địa bàn như: Giữ gìn an ninh vùng biên giới, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn, bản cũng như vận động nhân dân phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa của các dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.

Nhờ có sự sâu sát từ chính quyền cơ sở mà những năm gần đây, những bản, làng vùng biên đã rộn rã tiếng cười, những đồng ruộng, nương ngô xanh tươi bên mỗi cột mốc, đường biên. Điều này chứng tỏ đời sống của bà con nơi biên viễn ngày một no ấm. Trên mỗi nẻo đường, những người có uy tín dân tộc thiểu số vẫn miệt mài chung sức bảo vệ biên cương. Họ chính là những “cột mốc sống” để bảo vệ từng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Phương Nguyên