Tuyển sinh đại học năm 2022: Ngành sư phạm lên ngôi
Mùa tuyển sinh năm 2022, điểm chuẩn vào các trường sư phạm đều tăng đáng kể so với các năm trước. Đây là những tín hiệu vui về việc thu hút nhân tài vào ngành sư phạm.
Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng đáng kể
Bức tranh điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2022 cho thấy, ngành sư phạm đang thuộc “top” ngành có mức điểm chuẩn cao nhất năm nay. Nhiều ngành thí sinh phải đạt 29-30 điểm/3 môn mới có cơ hội đỗ. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 3 ngành lấy điểm chuẩn là 28,5, gồm: Giáo dục chính trị - tổ hợp C19 (Văn, Sử, Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử - tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả 3 ngành cao hơn năm ngoái 0,25-1 điểm.
Nhiều ngành của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng có điểm chuẩn tăng từ 0,25-2 điểm so với năm 2021. Ngành Sư phạm Mầm non và Sư phạm Địa lý cùng lấy 26,25 điểm. Đây là 2 ngành có điểm chuẩn cao nhất trường trong năm nay (xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT).
Điểm chuẩn của Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) năm 2022 có 2 ngành mức điểm trúng tuyển cao nhất là ĐH Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và ĐH Sư phạm Lịch sử chất lượng cao là 39,92 điểm (thang điểm 40). Như vậy, nếu không có điểm ưu tiên, tính trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển. Trong các ngành chất lượng cao, ngành ĐH Sư phạm Toán học chất lượng cao có điểm chuẩn xếp thứ 3, là 35,43 điểm. Ngoài ra, ngành ĐH Sư phạm Lịch sử cũng là ngành có mức điểm trúng tuyển rất cao, với 29,75 điểm (thang điểm 30).
Ở phía Nam, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, điểm chuẩn tất cả các ngành sư phạm tăng so với năm trước, dao động từ 20,03 đến 28,25, trong đó ngành lấy cao nhất là Sư phạm Ngữ văn với 28,25 điểm, kế đến là Sư phạm Toán học 27 điểm. Trường ĐH Sư phạm- ĐH Huế, các ngành sư phạm cơ bản đều tăng hơn trước từ 4-5 điểm. Tại Trường Đại học Quy Nhơn, 6 ngành Sư phạm có điểm chuẩn lên đến 9,5 điểm/môn.
Cùng với đó, trong số 10 ngành giáo dục, sư phạm của Trường ĐH An Giang chỉ có ngành giáo dục tiểu học có điểm chuẩn bằng năm trước, 9 ngành còn lại đều có điểm chuẩn tăng. Trong đó Sư phạm Toán, Vật lý, Hóa học, Địa lý tăng từ 5 đến 5,7 điểm. Ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất là sư phạm Lịch sử - tăng 6,51 điểm.
Tỷ lệ sinh viên sư phạm ra trường có việc làm tăng
Tại sao điểm chuẩn của ngành sư phạm tăng vọt như vậy? PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức cho biết, có 3 yếu tố tác động chính. Đầu tiên phải kể đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các địa phương có nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở tất cả các ngành đào tạo. Vì vậy, các địa phương đã thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trong đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP đã hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí, giúp nhiều học sinh giỏi, nghèo có cơ hội đi học. Yếu tố tác động tiếp theo là chỉ tiêu đào tạo giáo viên hiện nay được giao gắn với nhu cầu của địa phương nên số lượng có hạn, thí sinh đăng ký nhiều nên độ cạnh tranh cao.
Ông Nguyễn Trung Thành - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH An Giang cho biết, chỉ tiêu sư phạm của trường năm nay được duyệt tương đương năm trước. Tuy nhiên, điểm chuẩn tăng mạnh có nhiều lý do. Điểm thi năm nay của thí sinh cao, số lượng đăng ký nhiều, trường xét tuyển nhiều phương thức nên chỉ còn một tỷ lệ nhất định cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, vì vậy điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng mạnh.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, những năm gần đây ngành sư phạm có cơ hội việc làm rất lớn. Trong suốt quá trình học sư phạm, sinh viên sẽ được miễn giảm học phí. Điều này khuyến khích các bạn trẻ lựa chọn và theo học ngày càng nhiều hơn. Khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại bất cứ đâu. Không hạn chế ở khu vực hay vùng miền nào.
Thống kê từ Bộ GDĐT cho biết, trong 5 năm qua, tỷ lệ sinh viên sư phạm có việc làm không ngừng tăng. Năm 2019, có 85% sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có việc làm; năm 2020, tỷ lệ này tăng lên 87%, năm 2021 tăng lên 92%. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sư phạm không chỉ có việc làm ở khu vực nhà nước mà còn có thể lựa chọn các trường ngoài công lập và tự tạo việc làm cho mình.
Các chuyên gia đánh giá cao những tín hiệu vui trong tuyển sinh ngành sư phạm năm 2022. Song điều quan trọng nhất đó là việc làm và thu nhập cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Do đó, để khuyến khích và giữ chân người giỏi vào ngành sư phạm, cần phải có chính sách căn cơ cho vấn đề này.
Theo ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GDĐT: Việc điểm chuẩn các ngành sư phạm năm nay tăng đã được dự báo từ trước bởi nhu cầu nhân lực sư phạm trong thời gian tới rất lớn. Các mã ngành đào tạo giáo viên đều nằm trong 12 nhóm ngành đào tạo đại học có quy mô đào tạo lớn nhất hiện nay, chiếm 74% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp từ gần 250 trường đại học hàng năm của Việt Nam.