Giao Bài tập về nhà bậc tiểu học: Bao nhiêu là đủ?

Thu Hương 22/09/2022 06:29

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày, song nhiều giáo viên vẫn giao thêm bài tập, thậm chí là nhiều bài khiến cả phụ huynh và học sinh đều căng thẳng.

Ảnh minh họa.

Mặc dù mới khai giảng được nửa tháng, song chị Nguyễn Mạnh Hiền (phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã mua đến hộp bút chì thứ 2 do khối lượng bài vở của con mỗi ngày rất nhiều. “Tôi kiểm tra vở trên lớp thấy con cả ngày ở trường chỉ viết tất cả tầm 2-3 trang. Tuy nhiên, tối về, cô giáo giao rất nhiều bài luyện viết, luyện đọc không chỉ trong vở bài tập in sẵn mà cả các tờ photo cô phát thêm. Con mới học lớp 1 mà tối nào cũng làm bài đến hơn 9h mới xong. Dù cô bảo bạn nào mệt quá thì thôi nhưng con sợ cô, muốn được cô khen, thưởng cờ đỏ… nên mỗi ngày đều cố gắng viết hết bài dù lúc nào cũng kêu mỏi tay” - chị Hiền chia sẻ.

Còn anh Phạm Mạnh Tuân (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Ngay từ buổi họp đầu năm, cô giáo chủ nhiệm đã hỏi ý kiến các bậc phụ huynh về việc giao bài tập về nhà cho các con hay không. Vì con học lớp 4, sắp đến giai đoạn chuyển cấp nên đa số phụ huynh đều ủng hộ việc cô giao thêm bài. Nhưng tôi không nghĩ là nhiều đến thế, mỗi ngày 1 phiếu Toán ít nhất 3 mặt, trong đó có mấy bài khó con phải hỏi bố mẹ; 1 trang tập chép hoặc 1 bài tập làm văn. Chưa kể các môn học khác như tiếng Anh, Kỹ thuật, Mỹ thuật… cũng có nhiệm vụ chuẩn bị nên đi học về là cháu vội vàng ăn cơm để lại chuẩn bị ngồi vào bàn học tiếp”.

Trên thực tế, dù là chương trình hiện hành hay chương trình giáo dục phổ thông mới, hầu hết giáo viên vẫn giao nhiệm vụ về nhà cho học sinh học 2 buổi/ngày vì quan điểm “văn ôn, võ luyện” vẫn tồn tại từ xưa. Thậm chí, với nhiều bậc phụ huynh, nếu thầy cô không giao hoặc giao ít bài tập về nhà, phụ huynh sẽ thắc mắc hoặc… tự giao thêm bài tập cho con với suy nghĩ để con khỏi rảnh rỗi xem ti vi, máy tính. Vì vậy, với trẻ nào làm nhanh thì còn đỡ, nhiều trẻ viết chậm, quá nắn nót hoặc không tập trung thì phải mất cả buổi tối mới hoàn thành bài khối lượng bài tập thầy cô giao.

Việc giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày trên thực tế vẫn nhận được ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh. Ngày 5/1/2020, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn 3977/BGDĐT-GDTH yêu cầu các nhà trường, giáo viên cần giúp học sinh lớp 1 hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Cụ thể, Bộ GDĐT yêu cầu các sở chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học.

Bà Nguyễn Thu Hằng, giáo viên Trường tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội với kinh nghiệm dạy lớp 1 nhiều năm cho biết, ở bậc tiểu học, việc giao nhiệm vụ học tập mỗi ngày ở nhà nhằm tạo thói quen, nề nếp cho học sinh. Cụ thể, mỗi tối, các con vẫn nên ngồi vào bàn học một thời gian nhất định.

Từ góc độ của một nhà sư phạm, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phương pháp giáo dục của mỗi gia đình là khác nhau. Mỗi giáo viên cũng có cách truyền đạt riêng và mỗi học sinh cũng có mức độ nhận thức khác nhau nên thực chất không có một mẫu số chung nào cho câu chuyện giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là không nên quá nặng nề chuyện bài tập về nhà, khiến con cái mỗi ngày đều ngập trong núi bài tập, sách vở đến mức… sợ học.

Bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, đối với học sinh lớp 1, vẫn nên cho bé làm bài tập về nhà trong khoảng thời gian dưới 20 phút là phù hợp. Trong khoảng thời gian đó, bé đọc lại bài của ngày hôm đó; tập tô hoặc tập viết khoảng 3 dòng; tự tính nhẩm hoặc viết lại con số. Ở các lớp lớn hơn, tăng thêm thời gian theo nguyên tắc không khiến trẻ quá căng thẳng.

Thu Hương