Kích cầu du lịch Trung Đông

Minh Quân-Phạm Sỹ 22/09/2022 06:33

Trung Đông không chỉ nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính mà còn là thị trường khách du lịch khổng lồ. Tuy nhiên, tại Việt Nam thị trường này vẫn chưa tạo được sức hút so với các quốc gia trong khu vực.

Một số hình ảnh Ngày Quốc gia Việt Nam tại Triển lãm thế giới EXPO 2020 Dubai.

Trung Đông là thị trường lớn gồm 17 quốc gia và 1 vùng lãnh thổ, dân số trên 400 triệu người. Kinh tế phát triển mạnh, tầng lớp giàu có nhiều, nhu cầu du lịch của thị trường Trung Đông được dự báo tăng nhanh trong thời gian tới, dự kiến đạt 165 tỷ USD vào năm 2025 với các thị trường gửi khách hàng đầu là Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Nhiều hạn chế trong tiếp cận

Tuy nhiên, có một thực tế với thị trường Trung Đông, nơi tập trung nhiều khách hạng sang có khả năng chi tiêu cao, du lịch Việt Nam vẫn chưa tạo được sức hút bằng các nước trong khu vực. Nguyên nhân được xác định là do các thông tin về du lịch Việt Nam tới các nước Trung Đông còn hạn chế. Bên cạnh đó khoảng cách địa lý lớn, chi phí đắt đỏ, khác biệt lớn về văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, tôn giáo, ngôn ngữ giữa hai quốc gia là rào cản khiến sản phẩm du lịch Trung Đông chưa phong phú, chưa được đầu tư, thiếu nguồn hướng dẫn viên nói tiếng Ả Rập, cơ sở hạ tầng phục vụ nhóm khách này còn hạn chế, nhỏ lẻ. Đặc biệt, với các du khách Trung Đông theo đạo Hồi lại có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng biệt đòi hỏi dịch vụ cung cấp cũng cần được “may đo” vừa vặn. Việc này đòi hỏi các đơn vị lữ hành, lưu trú cần thiết kế những chương trình du lịch riêng cho đối tượng khách Ả rập, đảm bảo yếu tố tôn giáo như yêu cầu về thực phẩm Halal (cho người theo đạo Hồi), phòng cầu nguyện, sự riêng tư…

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Qatar Trần Đức Hùng, khách du lịch từ khu vực Trung Đô̂ng có khả năng chi trả cao và thích đi nghỉ dưỡng biển, tiện nghi, riêng tư và thường đi theo gia đình khoảng 6-8 người. Nếu địa điểm ưa thích, họ sẵn sàng lưu trú thời gian dài tại một điểm và không thích du lịch theo tour hay ghép đoàn. Trong những năm gần đây, du khách Trung Đông thường tìm kiếm những địa điểm du lịch mới do những địa điểm du lịch truyền thống như Châu Âu đang dần bão hòa. Những địa điểm du lịch mới phải đảm bảo an toàn, dịch bệnh được kiểm soát và an ninh tốt. Đông Nam Á là thị trường rất được ưa chuộng trong khoảng thời gian này. Dù Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi nhưng khách du lịch đến từ các nước Trung Đông chiếm tỷ lệ không đáng kể. Bởi Việt Nam chưa đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch ra thị trường này một cách bài bản, thường xuyên để du khách Trung Đông có ấn tượng về du lịch Việt Nam.

Tháo gỡ những nút thắt

Nhằm “kích cầu” cho thị trường đầy tiềm năng này, trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Ngày Quốc gia Việt Nam tại Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai của Bộ VHTTDL, chia sẻ với lãnh đạo của Việt Nam, ông Ahmad Khailifa Al Falasi - Tổng Giám đốc Cơ quan Kinh tế và Du lịch Tiểu vương quốc Dubai bày tỏ, thị trường du lịch Dubai cũng như du lịch Việt Nam đều sẵn sàng mở cửa đón khách với nhu cầu và mức chi tiêu đa dạng. Tuy nhiên, theo ông Ahmad Khailifa Al Falasi, cả hai bên cần tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ nhằm thu hút khách du lịch hai chiều, đề xuất Việt Nam xem xét đột phá bằng việc miễn visa du khách Ả Rập, tạo môi trường du lịch thân thiện và mến khách, phù hợp với thị hiếu của các nhóm đối tượng này.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Trung Đông là thị trường có lượng khách ra nước ngoài du lịch tăng nhanh trong thời gian qua. Đây cũng xác định là thị trường tiềm năng quan trọng của du lịch Việt Nam, cần ưu tiên mở rộng phát triển. Để thu hút du khách từ thị trường Trung Đông, trước tiên cần tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam; cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... Các đơn vị du lịch cũng cần tích cực, chủ động tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế được tổ chức tại các nước Trung Đông để tăng cường sự hiện diện và quảng bá du lịch Việt Nam nhiều hơn; đồng thời có thể tiếp cận với doanh nghiệp lữ hành sở tại.

Đồng quan điểm, Đại sứ Trần Đức Hùng cũng cho rằng, để thu hút du khách từ Trung Đông, cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành cần thường xuyên tổ chức chương trình hội chợ quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế ở quy mô lớn, mời các doanh nghiệp lữ hành Trung Đông tham dự; tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam, như phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, KOLs (nhân vật có sức ảnh hưởng) quảng bá du lịch Việt Nam… “Có thể thiết kế những chương trình du lịch riêng cho khách Ả Rập. Đào tạo nguồn nhân lực dịch vụ du lịch biết tiếng Ả Rập để phục vụ khách từ các nước theo đạo Hồi” - ông Hùng nói.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, TPHCM sẽ đẩy mạnh những thông tin xúc tiến quảng bá, giới thiệu đến du khách Trung Đông, qua đó các doanh nghiệp du lịch có thể tìm cơ hội kinh doanh, du lịch văn hóa, tìm hiểu khám phá, trải nghiệm làm thủ công truyền thống, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nói chung và ngược lại. Cơ hội luôn song hành với thách thức, vì vậy nhận thức được rằng để khai thác tốt thị trường tiềm năng ở các quốc gia Trung Đông, TPHCM cũng có sự chuẩn bị chu đáo, sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cũng như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ban ngành với doanh nghiệp du lịch và các hãng hàng không… Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành cũng cần thiết kế các chương trình tour đặc biệt, phù hợp với nhóm khách Trung Đông “nhà giàu”, chấp nhận chi trả cao cho các loại hình dịch vụ cao cấp, riêng tư, không bị gò bó theo chương trình tour... để có thể chào bán cho du khách Trung Đông.

Minh Quân-Phạm Sỹ