Nhiều bất cập về chuyển nhượng, giao đất và cho thuê đất
Ngày 22/9, tại Nhà khách Quốc hội phía Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với sự tham dự của gần 100 luật gia, luật sư, chuyên gia về đất đai, bất động sản và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về đất đại của TP HCM và một số địa phương phía Nam.
Chủ trì hội thảo có Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Lê Hồng Nguyên, Trưởng Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP HCM; Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam và ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA).
Đến dự Hội thảo còn có ông Võ Văn Thiện, Trưởng Ban Công tác phía Nam của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Luật sư, ĐBQH Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM; đại diện Hiệp hội Công chứng Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực đất đai, bất động sản.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đánh giá chung Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này có vai trò hết sức quan trọng để đưa các quy định của luật sát hơn với thực tiễn công tác quản lý đất đai trên cả nước. Dù vậy, sau giai đoạn lấy ý kiến phản biện, góp ý đầu tiên đã có nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định của dự thảo luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, dẫn đến cần phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng các tác động và cụ thể hóa chính sách đất đai bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
"Chúng ta thấy rằng vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, chưa tạo được không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng, cũng như giảm tối đa thủ tục hành chính", Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu.
Dẫn chứng cho nhận định trên, Luật sư Hậu dẫn kết quả rà soát Luật đất đai của Bộ Tài nguyên Môi trường tại 112 luật, bộ luật (có quan hệ với Luật đất đai) đã thấy có 22/112 luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật hiện hành nhưng cũng chưa thống nhất giữa luật đất đai và luật nhà ở.
Bên cạnh đó, khoản 1 điều 61 của dự thảo luật về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất có quy định "Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng,...sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 54 của Luật này".
Nhất thiết cần xem xét HĐND cấp tỉnh chỉ được thông qua với một mức nhất định, quy định như trong dự thảo luật thì việc giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đối với một phần nhỏ diện tích đất cũng phải thông qua HĐND thì rất bất cập. "Chỉ nên giao HĐND thông qua những diện tích lớn, khoảng 5ha trở lên mới thông qua HĐND, chứ không đợi phiên họp của HĐND để thông qua", Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý.
Tại Hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tham vấn, trong dự thảo dù đã bỏ quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Theo ông Châu, những điểm mới kể trên được quy định trong dự thảo lần này đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện thủ tục đất đai cho người sử dụng đất. Dù vậy, lãnh đạo HoREA kiến nghị nên xem xét chuyển quy định bắt buộc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản tại Điều 211 Dự thảo sang “khuyến khích thực hiện” bởi vì nếu bắt buộc sẽ tạo ra những “đặc quyền”, “đặc lợi” cho các sàn giao dịch và thiếu công bằng với các chủ đầu tư dự án bất động sản hiện nay.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo về chủ đề trên, Luật sư Lê Nết, Giám đốc Công ty Luật LNT & Thành viên cho rằng, mặc dù Luật đất đai (2013) đã cho phép người dân, doanh nghiệp khi thuê đất của Nhà nước được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Tuy nhiên, nếu trả tiền hàng năm thì sẽ chỉ được quyền sử dụng đất mà không được quyền thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
"Thoạt nhìn, quy định như vậy có thể mang lại lợi ích là khuyến khích người sử dụng đất trả tiền sử dụng đất hay thuê đất một lần thì mới được quyền sử dụng đất đầy đủ, tăng thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi phí, công sức quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc khuyến khích người thuê lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê (thường lên tới 50 năm) có thể cũng giống như việc "bán lúa non" vậy", Luật sư Lê Nết phân tích.
Tại Hội thảo, Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và Trợ giúp Pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ ra một số vướng mắc hiện nay về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 63,64,65) có sự chồng chéo giữa Luật đất đai và nhiều Luật liên quan như Luật Đầu tư (năm 2020), Luật Doanh nghiệp (năm 2020), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,...
Do đó, Luật sư Hạnh và nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi Luật đất đai cần nghiên cứu tính đồng bộ và tính thống nhất trong quá trình vận hành và điều chỉnh của các luật liên quan./.