Điểm chuẩn tăng mạnh, ngành sư phạm có thực sự tăng sức hút?
Năm 2022, ngành Sư phạm có điểm chuẩn tăng đáng kể so với năm trước, có nhiều ngành trên 28 điểm, thậm chí gần “chạm trần”. Tuy nhiên, điểm chuẩn cao có đồng nghĩa với ngành học này có sức hút mạnh với các thí sinh?
Hút thí sinh từ chính sách hỗ trợ
Không nằm ngoài dự đoán, điểm chuẩn ngành Sư phạm năm nay tiếp tục tăng so với năm ngoái. Đáng chú ý nhất là tại Trường Đại học Hồng Đức, ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và Sư phạm Lịch sử chất lượng cao có điểm chuẩn 39,92 điểm (thang 40). Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải được 9,98 điểm mỗi môn mới trúng tuyển.
Đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT, điểm trúng tuyển các ngành của Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh dao động trong khoản từ 22,75 đến 29,75, trong đó có ngành Sư phạm Toán học và Sư phạm Hóa học đều có mức điểm trúng tuyển là 29,75. Mức điểm trúng tuyển của phương thức đa số tăng nhẹ, trong khoảng 1 điểm so với mức điểm trúng tuyển của năm 2021.
Năm nay, điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 từ 24,3 đến 38,67 điểm, tính theo thang điểm 40.
Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất với 38,67/40 điểm, tăng 13,17 điểm. Trong khi đó, ngành học có điểm chuẩn thấp nhất là Sư phạm Tin học với 24,3 điểm, thấp hơn năm ngoái 1,2 điểm.
Tương tự tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có ba ngành lấy điểm chuẩn cao nhất là 28,5 gồm: Giáo dục chính trị tại tổ hợp C19 (Văn, Sử và Giáo dục công dân) và C20 (Văn, Địa và Giáo dục công dân); Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử tại tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Mức này ở cả ba ngành cao hơn năm ngoái 0,25 đến 1 điểm.
Tuy nhiên, xét riêng nhóm ngành đào tạo giáo viên, điểm trúng tuyển ngành Sư phạm Âm nhạc thấp nhất là 18,38 điểm. Đây là một trong số ngành đào tạo giáo viên mà nhu cầu thực tế tại các trường phổ thông, đội ngũ giáo viên đang còn thiếu để đáp ứng theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới điểm đầu vào các trường đều tăng cao, TS Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm góp phần không nhỏ để thu hút sinh viên học sư phạm, đặc biệt khi các gia đình bị tác động kinh tế bởi dịch Covid-19 thì việc lựa chọn ngành sư phạm để vừa được đi học vừa được trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng là lựa chọn phù hợp”.
Thêm nhiều mã ngành đào tạo giáo viên
Điểm chuẩn gành sư phạm tăng mạnh là tín hiệu đáng mừng cho thấy xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thí sinh hiện nay đã được cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh họat hằng tháng cho sinh viên sư phạm chỉ là giải pháp tình thế. Bên cạnh chính sách đãi ngộ, uy tín đào tạo của chính cơ sở đào tạo là một trong những yếu tố quyết định thu hút người học đến với ngành sư phạm.
Trong khi thực tế, trong năm học 2022-2023, vẫn có rất nhiều địa phương gặp khó khăn vì tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt cho chương trình GDPT mới. Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân tích, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm nói chung, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng được Bộ GDĐT phê duyệt, cấp chỉ tiêu. Việc này dựa trên hai căn cứ chính là năng lực đào tạo của nhà trường và nhu cầu của các địa phương đã đăng ký với Bộ.
“Bắt đầu từ năm học 2021-2022, từ khi Nghị định 116 có hiệu lực thì quá trình đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu xuất phát từ đặt hàng của các địa phương. Vì thế, việc thừa-thiếu giáo viên hiện nay chủ yếu là thừa-thiếu cục bộ nên để giải quyết triệt để cần có thời gian”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiền cho hay.
Cũng theo ông Hiền, trước mắt, trường sư phạm có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên, đặc biệt là các giáo viên dạy môn tích hợp. Với các môn Nghệ thuật, Tin học, Ngoại ngữ, Bộ GDĐT cũng có thông tư cho phép bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người có nhu cầu muốn trở thành giáo viên.
Để đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ năm nay, trong chương trình đào tạo chính quy, Trường Đại học Sư phạm Hà nội mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên, giáo viên Lịch sử-Địa lý. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm công khai và nhanh nhất có thể cho sinh viên bằng nhiều hình thức.
Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, trường cũng đã xin mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên dạy tích hợp Khoa học tự nhiên và Lịch sử-Địa lý.
Tuy nhiên, theo TS Cao Bá Cường, qua thực tế nhà trường và tham khảo các trường khác thì thấy rằng việc tuyển sinh không dễ vì tâm lý e dè, muốn thăm dò của người học trước một chương trình mới.