Dọn sạch 'rác nhạc': Phụ thuộc lớn vào công chúng

Hoàng Vân 22/09/2022 15:38

Trước vấn nạn "rác nhạc" đang ngày càng gây "nhức đầu" cho các nhà quản lý lẫn công chúng thưởng thức âm nhạc, nhiều người cho rằng, trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý, muốn dẹp sạch “rác nhạc” hơn hết cần sự chung tay của toàn cộng đồng, ở đó mỗi cá nhân đóng vai trò tiên quyết.

Chuyện cũ… vấn đề mới

Ca khúc "Shashimi" của ChiPu sau khi ra mắt nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì có chứa nội dung mang hơi hướng gợi dục.

Sự xuất hiện của một số ca khúc có nội dung thô tục, phản cảm trên các nền tảng mạng xã hội trong thời gian gần đây đang khiến dư luận bức xúc. Hiện tượng "nhạc rác" không phải vấn đề mới, tuy nhiên thời gian này lại “nóng” lên vì ca khúc “Shashimi” mới phát hành của ChiPu.

Theo đó, sản phẩm âm nhạc mới của ChiPu có tên “Sashimi” ngay sau khi ra mắt đã bị đánh giá là một thảm họa. Nổi cộm trong đó là phần ca từ của “Sashimi” giống như lời chào mời của một chủ quán với khách hàng, nhưng gợi liên tưởng đến nội dung phản cảm, dung tục.

Trên một vài diễn đàn về nhạc, nhiều khán giả tỏ ra bức xúc, bình luận, họ không thể tưởng tượng được tại sao lại có sản phẩm âm nhạc được viết ra với ngôn ngữ dung tục như thế, và lại có ca sĩ hát được những lời lẽ như thế. “Sản phẩm âm nhạc quá phản cảm”; “Văn hóa Việt Nam không dung tục như trong bài hát đâu, có vẻ ca khúc đi quá xa…”; “Bài hát của ChiPu chỉ hợp với ở nước ngoài, còn ở Việt Nam thì không phù hợp rồi”… là những bình luận của khán giả về ca khúc mới ra mắt của ChiPu.

Sau khi bị điểm mặt, chỉ tên, Bình Gold đã ẩn toàn bộ video nhạc bị cho là dung tục, phản cảm.

Chuyện cũ nhưng lại là vấn đề mới, các ca khúc mang nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục vốn đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên đến nay tình trạng trên vẫn ngang nghiên tiếp diễn. Trước Sashimi, các ca khúc mang nội dung tương tự như: “Ông bà già tao lo hết”, “Bốc bát họ”, “Lái máy bay”… cũng nhận về không ít “gạch đá” từ cư dân mạng.

Theo giới chuyên gia nhận định các ca khúc trên bị chỉ trích vì ca từ được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục, phông văn hóa tại Việt Nam, những bài hát như vậy không chỉ làm xấu thị trường âm nhạc mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả, đặc biệt trẻ nhỏ.

Việc không kiểm duyệt nội dung kỹ càng của các nền tảng mạng xã hội càng khiến những ca khúc có ca từ dung tục được phổ biến, lan truyền diện rộng. Từ đó vô tình tạo tiền đề để các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV đăng lên mạng. Đây cũng chính là nguồn cơn để các sản phẩm, MV dung tục, phản cảm xuất hiện tràn lan trong cộng đồng và trên nền tảng số.

Làm thế nào để quét sạch “rác nhạc”?

Trước ChiPu, Bình Gold, Chị Cả cũng từng bị phạt vì cho ra mắt MV có nội dung không phù hợp.

“Rác nhạc” tràn lan vào đời sống cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng. Trả lời báo chí, ông Phạm Cao Thái, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm thông tin về các MV gây tranh cãi, có nội dung phản cảm, dung tục khiến dư luận phản ứng trong thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao đổi với Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly để xem xét xử lý với từng trường hợp cụ thể.

Gần đây nhất, Sơn Tùng MTP cũng phải nộp phạt 70 triệu đồng và gỡ MV "There's no at one" trên mọi nền tảng vì sản phẩm có chứa nội dung không phù hợp.

Thực tế, trước đó, các cơ quan lãnh đạo ban ngành đã đưa ra hướng xử lý với các MV ca nhạc không phù hợp. Mặc dù đã có biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Điều này cho thấy trách nhiệm không chỉ đến từ các cơ quan đầu ngành mà nhất thiết cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, ở đó, mỗi cá nhân đóng vai trò quyết định.

Chuyên gia văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng thị trường âm nhạc Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng.

Nói về tình trạng môi trường âm nhạc của nước ta hiện nay, chuyên gia văn hóa, ông Ngô Hương Giang nhận định thị trường âm nhạc ở Việt Nam đang rơi vào sự khủng hoảng. Từ ca từ đến cách thức thể hiện, từ khủng hoảng nhận thức âm nhạc cho đến khủng hoảng các giá trị.

“Rất nhiều ca sĩ tài năng, chuyên nghiệp, có nhiều đóng góp thì ngày càng trở nên vắng bóng. Còn nhiều “ca sĩ” lớn lên từ mạng xã hội thì ngày càng đông đảo. Điều này phản ánh các giá trị âm nhạc của chúng ta đang bị đảo lộn, vàng – thau trộn lẫn. Tệ hại hơn, khi những ca từ trong các sản phẩm âm nhạc của một số ca sĩ không chuyên có xu hướng “sáo rỗng”, “dung tục” và phản cảm đã, đang chiếm lĩnh “gu thẩm mỹ” của công chúng “trẻ””, ông Giang nhấn mạnh.

Chuyên gia văn hóa cho rằng: “Tình trạng quản lý âm nhạc ở nước ta hiện vẫn bị chồng chéo giữa các cơ quan chức năng. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật là các đơn vị quản lý trực tiếp phần nội dung và biểu hiện của tác phẩm âm nhạc. Song Bộ Thông tin và Truyền thông lại quản lý phần phát hành. Mà không phải lúc nào các đơn vị chức năng này cũng có thể thống nhất được trong chỉ đạo. Đó cũng chính là nguyên nhân mà nhiều ca khúc phản cảm, có chứa nội dung dung tục vẫn ngang nhiên được phát hành trên mạng xã hội. Điều này sẽ gây nên những hệ luỵ và tác động tiêu cực không nhỏ đến xã hội”.

Đề xuất biện pháp nhằm dọn sạch “rác nhạc”, ông Ngô Hương Giang khẳng định: “Muốn loại bỏ “rác âm nhạc” trước hết công chúng phải là những người chủ động “rọn rác âm nhạc” trong nhận thức của mình. Khi công chúng kiên quyết quay lưng với những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, từ bỏ “rác âm nhạc” thì chắc chắn sẽ không có chỗ để tồn tại những sản phẩm đó.

Còn về phía cơ quan chức năng, theo tôi chỉ phát huy hết khả năng của mình khi có sự đồng thuận, chung tay xoá bỏ “rác nhạc” từ công chúng. Nếu thiếu sự quyết tâm xoá bỏ của công chúng đối với “rác nhạc” thì cơ quan chức năng cũng sẽ khó có thể giải quyết triệt để được thực trạng trên. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất âm nhạc cũng cần tự mình nâng cao giá trị sản phẩm, đạo đức với nghề thông qua hành động: nói không với sản xuất âm nhạc kém chất lượng”.

Hoàng Vân