Đắk Lắk: Nâng cao nghiệp vụ phân biệt hàng thật, hàng giả
Ngày 22/9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp tổ chức Hội nghị phân biệt hàng thật, hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Dự Hội nghị có các thành viên trong Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp (VACIP); đại diện cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk; Các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk Trương Văn Nhương cho biết: Hiện nay việc làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hàng này đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường và ngày càng tinh vi qua hình thức bán hàng online gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý, các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả, các hàng hoá được bảo hộ là những loại nào nếu không có chủ thể quyền cung cấp. Các hình thức gian lận thương mại mới của đối tượng sản xuất, kinh doanh nhằm qua mặt lực lượng chức năng, nơi phát sinh luồng hàng và nhận hàng, các phương thức kinh doanh mới, sự phối hợp giữa chủ thể quyền và cơ quan kiểm tra như thế nào?
Chính vì thế, nhằm nâng cao các kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả, thông tin về các mặt hàng được bảo hộ, hỗ trợ trong công tác giám định cũng như thông tin về phương thức và thủ đoạn mới của các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời thực hiện tốt công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Theo đó, tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội VACIP đã giới thiệu khái quát các nhãn hàng nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam và hi vọng Hội nghị sẽ giúp lực lượng thực thi chống hàng giả nắm rõ một số cách thức nhận biết phân biệt hàng thật, hàng giả, góp phần bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Đồng thời, qua Hội nghị sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức phổ biến pháp luật và trao đổi nghiệp vụ cho công chức trực thuộc để kịp thời nắm bắt các quy định của pháp luật mới ban hành thuộc lĩnh vực hoạt động của Quản lý thị trường và các lĩnh vực khác có liên quan. Trên cơ sở đó giúp cho công chức Quản lý thị trường chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và áp dụng văn bản pháp luật tốt nhất khi thi hành công vụ.