Cần quy định chặt chẽ, cụ thể trong thu hồi đất

H.Vũ 23/09/2022 06:40

Ngày 22/9, tại phiên họp pháp luật chuyên đề tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Vấn đề thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: QH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, thu hồi đất là một chế định rất quan trọng trong Luật Đất đai, là một hình thức chuyển dịch quyền sử dụng đất qua cơ chế hành chính. Do đó thu hồi đất cần phải quy định rất chặt chẽ. Việc này có cơ sở pháp lý là từ Hiến pháp và hiện nay Điều 70 của dự án luật đã liệt kê cụ thể những trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Do đó cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí cụ thể để Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18. Rà soát kỹ lưỡng các trường hợp để đảm bảo tính chính xác và phù hợp, tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.

Từ đó bà Nga đề nghị, trong thu hồi đất, cần rà soát quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp “các dự án khác” được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý theo hướng các dự án phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thuộc diện Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Đồng thời, làm rõ tỷ lệ 80% người dân đồng ý thì phải kèm theo các điều kiện về tỷ lệ diện tích đất được thu hồi, tránh trường hợp mặc dù có 80% người dân đồng ý nhưng họ chỉ sử dụng đối với 10 đến 20% diện tích đất bị thu hồi. “Tức là 80% này phải gắn với số diện tích đất bị thu hồi” - bà Nga nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chỉ cụ thể hóa những gì đã chín, đã rõ và đã có quyết sách của Trung ương. Còn những vấn đề không thể thực hiện được hoặc chưa đủ độ chín để Trung ương ra nghị quyết thì tuyệt đối không đưa vào dự án luật này. “Tôi lấy ví dụ một dự án đang tự thỏa thuận là quan hệ về dân sự, bây giờ bảo là 80% người dân đã thỏa thuận đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì có áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất không? Làm sao như vậy được, dân sự là dân sự mà hành chính là hành chính, không thể nào đang là dân sự lại cộng hành chính vào để làm tiếp việc thu hồi đất”- Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại khoản 5 Điều 70 của dự thảo luật đưa ra một quy định rất chung chung. Theo đó, “các dự án khác” đã đạt 80% thỏa thuận trở lên thì thuộc vào danh mục thu hồi đất. Như thế là không đúng với tinh thần của Hiến pháp. Dự án thỏa thuận là thỏa thuận, dự án thu hồi vì mục tiêu, lợi ích công cộng thì phải định nghĩa nội hàm của nó là gì. “Vấn đề khó nhất là vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai. Bây giờ bỏ khung giá đất rồi, nhưng bảng giá đất, vai trò HĐND, UBND như thế nào? không có tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong định giá đất. Định nghĩa thế nào là giá, nguyên tắc thị trường với giá thị trường trong điều kiện bình thường còn mang tính định tính lớn” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích, dự thảo luật quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 5 Điều 70 quy định “các dự án khác” được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý. Tuy nhiên, theo bà Thúy Anh, quy định như dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ ràng, dễ dẫn đến việc thực hiện tùy nghi ở từng địa phương. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định phân loại dự án, tiêu chí vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội đối với các dự án khi thu hồi đất. Cần rà soát các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, đối với các dự án khác cần có tiêu chí cụ thể hoặc có danh mục các dự án để tránh thực hiện tùy nghi.

Bà Thúy Anh cũng chỉ rõ, đối với 20% người có đất không đồng ý với lý do thu hồi đất hoặc không đồng ý với sự thỏa thuận của nhà đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan để có biện pháp giải quyết phù hợp, công bằng, hợp lý, bảo đảm sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế việc cưỡng chế thu hồi đất, khiếu kiện.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Nghị quyết 18 của Trung ương nhấn mạnh: “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu” nhưng đối chiếu với Điều 64, 65, 66 của dự thảo luật thì đang mở ra một số trường hợp giao đất không qua đấu giá, đấu thầu.

Bên cạnh đó, theo ông Tùng, dự thảo cũng nêu rõ: Đối với các trường hợp đặc biệt vì ưu đãi đầu tư và một số chính sách xã hội đặc thù khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định cũng giao đất không qua đấu thầu, đấu giá. Chỗ này cũng chưa thật rõ. Những vấn đề này cần phải được lý giải rõ ràng, lý do thuyết phục tại sao chúng ta đề xuất như thế?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, “có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư” là không thực tế. Bởi chưa có bồi thường thì làm sao có quyết định thu hồi đất? chưa có quyết định thu hồi đất thì không thể đo đạc, lên phương án bồi thường. Cho nên có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là không xảy ra trong thực tế.

H.Vũ