Sửa đổi Luật Đất đai sát hơn với thực tiễn
Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai (năm 2013) sát hơn với thực tiễn, đặc biệt cần thống nhất quy định giữa các luật với nhau, tránh tình trạng chồng chéo, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Đó là kiến nghị chung được nêu ra tại hội thảo góp ý về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức ngày 22/9.
Phát biểu tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc cơ quan truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nêu 7 nhóm nội dung góp ý, phản biện xã hội của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ngoài tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật, Luật sư Hậu đề nghị phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương được thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát quá trình thực hiện Luật Đất đai. Từ đó, kịp thời khắc phục các ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện.
Nhức nhối nhất “hậu” ban hành Luật Đất đai (năm 2013) thời gian qua là tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài của người dân nảy sinh do các mâu thuẫn, chồng chéo và nhiều bất cập của luật. Đơn cử tại TPHCM có dự án Khu đô thị mới Bình Trưng Đông - Cát Lái (TP Thủ Đức), quy mô 254ha, đã “treo” gần 20 năm qua chỉ vì không thể hoàn thành công tác bồi thường. Ngoài ra còn nhiều siêu dự án khác như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thi công kéo dài, nhiều dự án “tê liệt” vì vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng…Theo Luật sư Hậu, đây cũng chính là lý do khiến hầu hết các nhà đầu tư đều muốn tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá, đấu thầu bởi, doanh nghiệp ngày càng khó thương lượng với người dân để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), HoREA đã nhiều lần góp ý về các bất cập trong quy trình thu hồi đất đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư cho người bị ảnh hưởng bởi dự án thu hồi… thế nhưng một khi chưa sửa đổi được luật thì người dân, doanh nghiệp còn bức xúc. Ông Châu cũng kiến nghị xem xét quy định cụ thể đối với các sàn giao dịch bất động sản hiện nay, tránh tình trạng đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch, dẫn đến các bất cập, mâu thuẫn kéo dài. “Sàn giao dịch không góp một đồng vốn nào với chủ đầu tư để bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc đầu tư xây dựng các công trình trong dự án nhưng lại được “đặc quyền” bán sản phẩm của dự án. Đây là một bất cập rất lớn”.
Luật sư Lê Nết - Giám đốc Công ty luật LNT & Thành viên nêu tiêu chí đối với việc Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dù vậy, phải làm rõ như thế nào mới được coi là dự án vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng, đặc biệt là đối với các khu đô thị, khu nhà ở có tính chất thương mại. Điều này để tránh tình trạng tư nhân núp bóng nhà nước hay địa phương để trục lợi chính sách.
Bà Đặng Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng và trợ giúp pháp lý Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai không chỉ phát sinh từ đơn giá đền bù hay thủ tục, hồ sơ liên quan mà phát sinh từ chính việc địa phương vận dụng Luật Đất đai để áp dụng thu hồi đất. “Có nơi cơ quan thanh tra cấp huyện tùy tiện tham mưu cho UBND cấp huyện thu hồi những Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó rất lâu, thậm chí 10 đến 20 năm trước. Trong khi, nếu xác định tranh chấp đất đai xảy ra khi đã có giấy này thì phải được giải quyết bằng phán quyết của cơ quan tòa án có thẩm quyền” - bà Hạnh dẫn chứng về thực tế tại địa phương.