Tăng lãi suất để hóa giải những cú sốc
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng đã tăng lãi suất điều hành.
Ngoài việc điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, NHNN cũng nâng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm; Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,0%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm.
Việc NHNN điều chỉnh lãi suất tăng cũng đã được dự báo từ trước. Bởi việc tăng lãi suất lần thứ 3 ở mức 0,75 điểm% dù khá cao của Fed nhưng hoàn toàn trong dự báo của các nhà đầu tư. Trước đó, một số ngân hàng thương mại cũng đã chạy đua huy động vốn tăng, cho thấy rằng, hành động can thiệp lãi suất cơ bản của NHNN là việc không thể không làm.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, DN trong nước chủ yếu nhập siêu, DN FDI xuất siêu, do đó áp lực nhập khẩu lạm phát rất lớn. “Nếu chúng ta giữ mặt bằng lãi suất quá thấp, ổn định quá lâu trong bối cảnh thế giới biến động lớn như thế sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, từ đó gây nên những bất ổn kinh tế vĩ mô khác. Chúng ta định hướng giữ ổn định nhưng không có nghĩa là cố định đồng tiền. Do đó, NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế” - ông Quang lý giải.
Cho tới nay, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%).
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine…). Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
“NHNN tiếp tục điều hành đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường” - ông Tú khẳng định.
Bình luận về giải pháp của NHNN, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc đầu tiên và quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó giữ ổn định tiền tệ cốt lõi. Nếu duy trì tương đối tỷ giá VND/USD từ đó làm cho chỉ số lạm phát cơ bản sẽ thấp, kìm giữ giá các hàng hóa khác, bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới tăng thấp từ nay đến cuối năm và cả những năm tiếp theo.
Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022. Như vậy đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.