Dạy thêm, học thêm: Cần giải quyết từ gốc
Năm học mới vừa bắt đầu, nhiều trường đã yêu cầu phụ huynh đăng ký học thêm cho con, mặc dù các con đã học bán trú gần như cả tuần ở trường. Điều này khiến các bậc phụ huynh không khỏi bức xúc khi con em mình không có thời gian nghỉ ngơi.
Học sinh học kín lịch
Chị Hoàng Mai Anh có con đang học lớp 6 Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm học này con học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học bán trú cả ngày ở trường hầu hết các ngày trong tuần, chỉ nghỉ chiều thứ 3 và thứ 6. Gia đình dự định đây sẽ là thời gian để con nghỉ ngơi, ôn tập lại các bài học trên lớp. Song cuối tuần trước, giáo viên chủ nhiệm đã phát phiếu yêu cầu học sinh đăng ký học thêm nốt 2 buổi chiều được nghỉ.
“Trên danh nghĩa là đăng ký tự nguyện nhưng khi hầu hết cả lớp đều đăng ký, con nhà mình nếu không học thì con sợ mình khác biệt. Nếu cô giáo chữa các bài khó hay dạy các nội dung ôn tập quan trọng trong buổi này mà con nghỉ thì sẽ không theo kịp các bạn” - chị Anh lo lắng vì một mặt muốn con có thời gian nghỉ ngơi, học thêm các kỹ năng cần thiết khác, mặt khác lại không muốn con bị chậm, lỡ kiến thức so với bạn bè trong lớp.
Còn chị Trần Ngọc (ngõ 48 Ngọc Hồi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con gái chị học lớp 4, Trường tiểu học Linh Đàm (Hà Nội). Vì con học luân phiên nên có một buổi chiều thứ 5 con được nghỉ, cô giáo có nhận trông và dạy kèm buổi này với những gia đình có nhu cầu. “Việc này không mới vì các năm học trước, những ngày trong tuần con được nghỉ học, cha mẹ vẫn đi làm nên cô giáo vẫn nhận trông luôn các con cả ngày. Có điều hầu như cả lớp đều đi học, chỉ có 2 bạn nghỉ, đông đến gần 50 cháu nên việc dạy thêm lúc này không chia nhóm, vẫn dạy chung cả lớp nên hiệu quả học thêm tôi cũng không kỳ vọng gì” – chị Ngọc nói.
Trên thực tế, hiện nay, hầu hết học sinh không chỉ đơn thuần tham gia các lớp học trên trường mà còn đăng ký rất nhiều lớp học thêm khác ở ngay tại trường học của mình hoặc ngoài nhà trường. Học sinh có thể đăng ký học thêm ngoài giờ, và việc nhà trường mở ra những lớp học thêm là hợp pháp, miễn là học sinh đó phải tự nguyện và không bị ép buộc.
Việc dạy thêm, học thêm không chỉ đáp ứng nhu cầu về việc học thêm kiến thức của học sinh mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người dạy. Việc dạy và học thêm cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Trong đó, nêu rõ, một trong các trường hợp không được dạy thêm đó là không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phi (công ty Luật Hoàng Phi), với học sinh có nguyện vọng muốn học thêm với giáo viên đang dạy trên lớp nhưng khi đối chiếu với các quy định của Thông tư 17, các em đã học 2 buổi/ngày trên lớp với chính giáo viên này thì giáo viên không được tổ chức dạy thêm trong trường hợp này đối với nhóm học sinh này. Tương tự, việc nhà trường tổ chức lớp học thêm đối với chính học sinh đã học 2 buổi/ngày của trường có thu phí là không đúng theo quy định tại Thông tư 17, dù học sinh và phụ huynh có đơn xin học thêm nộp tới nhà trường.
Giải quyết từ gốc
Ngay sau khai giảng năm học 2022-2023, Bộ GDĐT đã có công văn số 4255/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dạy thêm, học thêm. Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm học và tổ chức thực hiện kế hoạch bằng phương thức phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trên thực tế, vấn đề dạy thêm, học thêm đã được thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội nhiều khóa và câu chuyện này đến nay vẫn chưa có hồi kết. Về phía Bộ GDĐT cho biết, sẽ rà soát các quy định của pháp luật về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này vẫn vướng khi 8 điều trong Thông tư 17 theo Bộ GDĐT đã hết hiệu lực, gồm các quy định về tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; các yêu cầu với người tổ chức, cơ sở vật chất dạy thêm và những thủ tục, thẩm quyền cấp phép hoạt động này. Thông tư 17 chỉ còn hiệu lực ở quy định về các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm trong trường, thu và quản lý tiền học thêm.
Mặc dù Bộ GDĐT đã đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đây là điều cần thiết để có thể điều tiết hoạt động dạy, học thêm tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức.
Từ góc độ phụ huynh, chị Trần Thị Lan có con học lớp 6 Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, chị có đề nghị với cô giáo đang dạy môn Toán của con trên lớp kèm riêng 2 bạn vào buổi tối, theo chương trình nâng cao hơn nhưng cô từ chối. Lý do là các con đã học 2 buổi nên khá vất vả, buổi tối nên dành thời gian tự học, ôn tập bài cũ và chuẩn bị bài mới. “Ngay từ buổi học đầu tiên, cô đã gợi ý các cuốn sách tham khảo để gia đình nào có nhu cầu có thể mua về để con làm thêm. Bài nào không hiểu cô sẵn sàng giải đáp trên lớp hoặc ngoài giờ” - chị Lan nói và cho rằng không nên cấm dạy thêm, học thêm.
Nhiều ý kiến tranh luận về việc dạy thêm, học thêm bởi xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học và cả người dạy, cần quan tâm đến việc làm sao để quản lý dạy thêm chặt chẽ hơn thay vì cấm nửa vời hoặc thả nổi.
PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT:
Quyết liệt chặn dạy thêm, học thêm ép buộc
Pháp luật quy định đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Như vậy, nếu ban giám hiệu nhà trường hay giáo viên bắt buộc học sinh phải đăng ký học thêm có trả học phí là không đúng luật.
Với những học sinh và gia đình có đơn xin học thêm tự nguyện ở trường hoặc với giáo viên nhưng các em này đã học 2 buổi/ngày thì nhà trường, giáo viên có được tổ chức học thêm hay không? Hiện nay, rất nhiều trường ở Hà Nội đang tổ chức dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi ngày.
Thứ hai, theo quy định, hiệu trưởng nhà trường sau khi tiếp nhận được đơn từ học sinh, sẽ tiến hành phân nhóm theo học lực của học sinh, phân công các giáo viên để phụ trách các môn học và cuối cùng là tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi tổ chức học thêm y như lớp học chính khóa, không có việc phân nhóm theo học lực của học sinh như yêu cầu. Lớp học thêm lên tới 50 cháu với các trình độ khác nhau thì khó để đạt hiệu quả.
Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GDĐT cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn đối với việc tổ chức dạy thêm, học thêm theo hướng siết chặt quản lý, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục thay vì cấm.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:
Cải thiện đời sống giáo viên
Theo một nghiên cứu tại 38 trường học do Viện Nghiên cứu Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thực hiện, những nguyên nhân khiến phụ huynh muốn cho con học thêm gồm: Con học yếu; chuẩn bị thi cuối cấp và vào đại học; muốn vào trường chuyên, trường điểm; học thêm để được điểm cao; do chương trình ở trường bị cắt xén. Về phía giáo viên, họ dạy thêm với mong muốn cải thiện thu nhập khi đồng lương còn thấp.
Hiện nay, số trung tâm được cấp phép để dạy thêm rất ít so với nhu cầu thực tế và không phải tất cả mọi giáo viên đều dạy thêm tại trung tâm. Nhiều giáo viên vẫn tự tổ chức các lớp dạy thêm ở nhà hoặc ở phòng ốc thuê mướn. Một số vụ việc đã bị báo chí nêu tên, giáo viên bị kỷ luật…
Theo tôi, vấn đề hiện nay là phải làm sao để cải thiện đời sống giáo viên, để giáo viên sống được bằng lương. Khi đó, việc dạy thêm nếu có sẽ chỉ xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh, hạn chế được tình trạng ép buộc học sinh học thêm. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định, hành lang pháp lý đầy đủ và có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để giáo viên, nhà trường thực hiện đúng, không còn cảnh biết là sai nhưng vẫn làm.
Hàn Minh(ghi)