Mặt trận vào cuộc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới. Các chương trình, chính sách của Trung ương được lồng ghép với chương trình, chính sách của địa phương bằng nhiều nội dung trọng tâm, trọng điểm. Tại nhiều địa phương, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới đã từng bước cải thiện, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ về công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ thường xuyên, mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Với hình thức phong phú, đa dạng và hiệu quả của MTTQ các cấp, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động, triển khai. Những hoạt động trên đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ vốn được coi là vùng trũng, đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông chiếm đến 90%, công tác dân tộc ở đây được coi là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Phát huy vai trò của MTTQ các cấp để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiểu và đồng thuận với chủ trương được coi là những giải pháp góp phần gỡ khó cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Con đường liên xóm là một ví dụ. Con đường này được hoàn thành đã nối liền nhiều xóm của xã Tân Long. Việc đi lại của bà con cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Ông Trần Văn Dàng (dân tộc người Mông) đã cùng với nhiều hộ gia đình khác trong xã chủ động hiến nhiều diện tích đất để con đường sớm hoàn thành. Ông Dàng cho biết, cán bộ MTTQ và chính quyền địa phương đã đến tuyên truyền, vận động nên bản thân ông và gia đình cũng hiểu được là muốn con đường hoàn thành thì các gia đình phải cùng có trách nhiệm.
Chính vì thế gia đình ông Dàng đã hiến hơn 2 sào ruộng để địa phương xây dựng con đường liên xóm. Từ ngày có con đường mới, đời sống bà con nơi đây đã thay đổi. Việc đi lại của bà con cũng dễ dàng hơn. Trẻ em đi học cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Hạ tầng được đầu tư xây dựng đã từng bước thay đổi bộ mặt của địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân tộc tại Lân Quan đã tạo đà cho xóm vươn lên trong phát triển kinh tế. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đảm bảo kịp thời, chính xác, hiệu quả thì công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp là vô cùng quan trọng. Trong đó, yếu tố then chốt là thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền.
Ông Dương Văn Lầu - Bí thư Chi bộ xóm Lân Quan cho biết, khi có chủ trương, chúng tôi sẽ họp với các tổ chức chính trị - xã hội để cùng bàn bạc, thống nhất các chương trình hành động. Sau đó, chúng tôi mới tiến hành họp dân để đi đến thống nhất, đồng lòng để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của xóm; cùng nhau vận động, tuyên truyền để chấp hành tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thời gian qua, MTTQ đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS để từ đó có những kiến nghị và đưa ra các nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào. Nhờ đó, tình hình nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định; an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS được đảm bảo, không xảy ra những điểm nóng, phức tạp. Các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực được quan tâm, triển khai thực hiện, nhân dân và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục làm tốt công tác đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Ông Phạm Thái Hanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của Mặt trận. Trong thời gian qua, công tác này luôn được MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở quan tâm. Trong thời gian tới, để tiếp tục làm tốt việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó có đồng bào các DTTS vùng sâu, vùng xa, MTTQ sẽ tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.
“Vận động bà con nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, đặc biệt là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp; vận động bà con áp dụng các tiến bộ kinh tế - xã hội vào sản xuất để từng bước nâng cao đời sống của người dân. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng làm tốt công tác nắm bắt tình hình, động viên đồng bào dân tộc để kịp thời xử lý các thông tin gửi tới cấp ủy, chính quyền giúp bà con tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sản xuất” - ông Hanh nói.
Với những giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống bà con vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới theo hướng bền vững, mạnh mẽ, ngay từ cơ sở.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 30% dân số là đồng bào DTTS với trên 384.000 người gồm các dân tộc như Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa… Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng năm, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đã quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS.