Báo động di tích xuống cấp trầm trọng
Nhiều di tích ở TP HCM đang bị xuống cấp, xâm phạm và “lãng quên”. Thậm chí một số di tích được xếp hạng cấp quốc gia cũng rơi vào tình trạng như vậy vì rất nhiều lý do khác nhau.
Với lịch sử tồn tại khoảng 300 năm gắn với lịch sử hình thành của mảnh đất Sài Gòn - TP HCM nhưng di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8) hiện chỉ còn là một phế tích. Dù được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1998 nhưng từ đó tới nay, di tích này gần như không được trùng tu, bảo quản hay tu bổ bất cứ hạng mục gì. Thậm chí ở chiều ngược lại, không ít lần báo chí từng phản ánh những hộ dân xung quanh khu vực đã lấn đất đai, xâm phạm, xả rác, chất thải ra khu vực di tích.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, di tích lò gốm Hưng Lợi hiện nay chỉ còn là bãi đất trống cỏ hoang mọc um tùm, có tấm biển ghi di tích quốc gia nhưng bị hoen gỉ và tường xây tạm bợ bao quanh. Ngược dòng lịch sử, lò gốm Hưng Lợi có từ thế kỷ thứ 18, đây là một phần của làng nghề làm gốm cực kỳ phát triển của mảnh đất Sài Gòn.
Theo tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, từ những năm 1996-1997, TP HCM đã tổ chức các đợt khai quật di tích Lò gốm Hưng Lợi và phát hiện rất nhiều hiện vật quý có giá trị. Chính nhờ đó mà lò gốm được công nhận là di tích cấp Quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Hậu thì khu vực này những năm qua có tốc độ đô thị hóa quá nhanh, người dân vô tình hay cố ý đã đào đất đá, gạch nung ở khu vực để sử dụng vào các mục đích khác khiến di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Ngoài ra mưa nắng cũng khiến một phần di tích bị hư hỏng theo vì không được bảo vệ đúng cách.
Được biết, vừa qua TP HCM đã có đề án xây dựng và phục hồi nguyên vẹn khu di tích lò gốm này để bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của tiền nhân. Tuy nhiên, để một khu phế tích như hiện nay thành một di tích nguyên vẹn ban đầu là bài toán vô cùng nan giải.
Cũng chịu chung số phận như lò gốm Hưng Lợi là một di tích cấp Quốc gia, di tích đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp) với tuổi đời hơn 320 năm. Khác với lò gốm Hưng Lợi, hiện di tích đình Thông Tây Hội vẫn còn giữ được nhiều hạng mục dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa. Đây không chỉ là ngôi đình lâu đời nhất ở TP HCM mà còn là cả vùng đất phương Nam.
Tuy nhiên, dù được công nhận là di tích Quốc gia từ năm 1998 nhưng do đình nằm ở vị trí mặt đường nên đã xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đình để buôn bán, đặt các loại vật dụng khác. Mặc dù hiện ngôi đình vẫn giữ được giá trị lịch sử, văn hóa và bản sắc của thời điểm xây dựng nhưng việc bảo quản đình đang là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.
Một số ý kiến cho rằng, dù chưa quá nghiêm trọng nhưng việc bảo quản và khai thác một di tích có giá trị văn hóa lịch sử như đình Thông Tây Hội hiện nay chưa bài bản, chưa mang đến giá trị bảo tồn bền vững. Đình dù được công nhận nhưng chưa thể thành một địa điểm du lịch văn hóa lịch sử và dường như vẫn bị “lãng quên” giữa rất nhiều không gian khác. Ngoài ra, nhiều di tích khác như đình Tân Túc, Trại giam Bệnh viện Chợ Quán, nhà thờ Đức Bà... cũng đang xuống cấp, hư hại ở những mức độ khác nhau.
Theo thống kê, TP HCM hiện có 177 di tích đã được quyết định xếp hạng, trong đó 2 di tích lịch sử được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là Dinh Độc Lập và Địa đạo Củ Chi. Tiếp đó là 56 di tích quốc gia, trong đó có 24 di tích lịch sử. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một vài di tích nằm trong bản đồ du lịch của thành phố. Việc các di tích văn hóa lịch sử không được khai thác, bảo quản và đem lại giá trị cho cộng đồng một cách bền vững cũng là nguyên nhân khiến chúng dần dần bị lãng quên và xuống cấp như những năm qua.