Đẩy mạnh việc truy quét tội phạm các vùng giáp ranh
Dù tình hình tội phạm có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, tuy nhiên khu vực vùng ven và các cửa ngõ giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh...) vẫn là những “điểm đen” về an ninh trật tự. Tội phạm vẫn hoạt động phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức.
Mới đây, một vụ cướp tiền ngân hàng bằng súng gây chấn động dư luận xảy ra vào ngày 8/9 tại Phòng giao dịch Tam Phước của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh TP Biên Hòa. Địa bàn TP Biên Hòa có cửa ngõ là “ngã tư” giáp ranh với Thủ Đức (TPHCM), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) là nơi các đối tượng tội phạm thường dạt về lẩn trốn sự truy quét của công an. Do đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an TPHCM, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu để phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng tội phạm kể trên.
Nhờ khoanh vùng và dự phòng các khả năng lẩn trốn của đối tượng nên sau 3 ngày, công an 4 địa phương đã bắt được nghi phạm Lê Huy Dũng (34 tuổi, thường trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), Dũng chính là đối tượng thực hiện vụ cướp trên. Từ lời khai của đối tượng, lực lượng trinh sát tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương truy tìm các tang vật liên quan đến vụ án để phục vụ công tác điều tra.
Cũng vào thời điểm cuối tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ của Công an tỉnh Vĩnh Long, Công an tỉnh Bình Dương và Công an TPHCM đấu tranh chuyên án tội phạm vùng giáp ranh giữa các địa phương này. Nhờ sự phối hợp này, cơ quan chức năng đã nhanh chóng triệt phá được đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ, qua đó bắt giữ được 7 đối tượng, thu giữ 50kg ma túy, cùng nhiều vật chứng khác. Sau đó, Bộ Công an đã gửi thư khen Công an các địa phương trong triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, đồng thời chỉ đạo khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án, củng cố tài liệu, chứng cứ đề nghị truy tố các đối tượng tội phạm theo quy định pháp luật. Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triệt phá đường dây trộm cắp tài sản tại khu vực địa bàn giáp ranh giữa 2 địa phương. Theo kết quả điều tra, 3 đối tượng bị bắt giữ khai nhận đã thực hiện 7 vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Để truy quét tận gốc các “điểm đen” tội phạm tại khu vực vùng ven, Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM và các tỉnh lân cận gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã ký kết được Quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh (gọi tắt là Quy chế 303). Từ đầu năm đến nay đã kéo giảm được 8,68% tội phạm so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 10,89% so với cùng kỳ năm 2020 về công tác truy quét các loại tội phạm vùng ven của 6 địa phương lân cận với TPHCM. Tuy nhiên, Giám đốc Công an TPHCM cũng đánh giá, nhiều “điểm đen” về an ninh trật tự tại khu vực vùng ven vẫn cần phải tiếp tục triển khai truy quét quyết liệt trong thời gian tới do đặc điểm của các khu vực này rất phức tạp, cùng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh của các loại tội phạm vùng ven.
Gần đây, còn nổi lên các nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu, cướp giật tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nhiều băng nhóm tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm cờ bạc online qua mạng.
Theo Công an TPHCM, trong tổng số gần 5.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội được khám phá, truy quét tại các khu vực giáp ranh với các địa phương lân cận, tỷ lệ các vụ điều tra khám phá án từ mức độ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 90%. Ngoài ra, công an 7 địa phương đã triệt phá gần 200 vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận, xã hội; phối hợp điều tra, xử lý 1.159 vụ việc/1.705 đối tượng và ủy thác điều tra đối với 418 yêu cầu.
Bên cạnh công tác phối hợp, Quy chế 303 đánh giá vai trò cung cấp tin báo tội phạm của người dân vùng giáp ranh đóng vai trò quyết định để khám phá, điều tra triệt phá các loại tội phạm tại các khu vực này. Cụ thể, quần chúng nhân dân của 7 địa phương đã cung cấp 1.340 nguồn tin có giá trị giúp lực lượng công an làm rõ, xử lý trên 1.100 vụ, bắt giữ điều tra 2.253 đối tượng vi phạm về an ninh trật tự.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an, việc TPHCM và các địa phương lân cận xây dựng được Quy chế 303 cho thấy quyết tâm rất cao trong triệt phá, truy quét tận gốc các điểm đen về an ninh trật tự khu vực vùng ven của TPHCM và các địa phương. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, đảm bảo trật tự trị an tại các địa bàn phức tạp này, Công an các địa phương cần tiếp tục phát huy công tác phối hợp kiểm soát, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, các phòng nghiệp vụ Công an địa phương cũng cần thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác, nhất là trong điều tra phá án.