Giám sát sao cho hiệu quả, ứng xử đúng mức với sai phạm
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc giám sát cần làm sao cho hiệu quả, phối hợp tác chiến, chứ không phải ra quân rầm rộ nhưng không giải quyết được vấn đề.
Ngày 24/9, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, Đoàn giám sát đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan liên quan, đồng thời tổ chức
Phiên họp lần thứ nhất, Tổ giúp việc đã tiếp thu, hoàn chỉnh các tài liệu báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mục đích của Đoàn giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.
Bên cạnh đó theo ông Thi, qua giám sát để phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có. Đồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình giám sát phải đánh giá được việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai có đúng không, từ nghị định, thông tư, quy hoạch.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có những văn bản ban hành ra gây ách tắc, thiệt hại nhiều nhưng chúng ta ứng xử nhẹ như lông hồng, cần làm rõ việc ban hành này có gây ách tắc hay cài cắm lợi ích gì không?.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đoàn giám sát cần đánh giá cả quá trình triển khai tổ chức thực thi các luật đã ban hành như thế nào?, kết quả ra sao?, được gì?, chưa được gì?, tồn tại và hạn chế?. Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc giám sát thì phải gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, cấp, ngành liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu.
Nhắc tới vừa qua Thủ tướng đi kiểm tra hai dự án bệnh viện ở Hà Nam và xem xét rõ trách nhiệm, giải pháp tháo gỡ và khi tháo gỡ được sẽ tạo nguồn lực rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nội dung giám sát cần cụ thể, tránh chung chung bởi sẽ không có hiệu lực, không tạo được chuyển biến. Do vậy cần xác định các việc trọng tâm, trọng điểm vì người thì ít, thời gian hạn chế, không khéo sẽ lạc trong một rừng số liệu, rừng tình hình.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, tập trung vào vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay. Cần trả lời câu hỏi có thiếu điện không? Đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay thế nào?.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Ngoài ra cần tập trung giám sát chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Cùng đó là về chính sách phát triển năng lượng. Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, điện 8 và một số quy hoạch. Rồi các chính sách liên quan huy động, sử dụng các nguồn lực FDI, thành phần kinh tế tư nhân thế nào, khuyến khích ra sao, cái gì khuyến khích?.
Về chính sách tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đưa vào trọng tâm bởi thực tế một mặt năng lượng phải đảm bảo nhưng mặt khác mình đã nghèo nhưng lại còn xài sang. Việc giám sát cần làm sao cho hiệu quả, phối hợp tác chiến chứ không phải xuống dưới kéo quân ầm ầm rồi về chả được việc gì.