Nét văn hóa đặc sắc của người Ê Đê
Đắk Lắk là địa phương có 49 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Với người Ê Đê, ngoài những nét văn hóa cồng chiêng, văn hóa sử thi, kiến trúc nhà dài... thì kết nghĩa anh em cũng là một nét văn hóa đặc sắc.
Sợi dây gắn kết tình thân
Theo truyền thống của cộng đồng dân tộc Ê Đê tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, kết nghĩa anh em là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Qua đó, nhằm giúp cho mọi người sống chan hòa, thân thiết, gắn bó với nhau như anh em một nhà. Đây cũng chính là sợi dây gắn kết tình thân, tình đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt giữa các cộng đồng dân tộc Ê Đê để cùng nhau xây dựng buôn làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Chúng tôi tìm về buôn Drai Sí (xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) và may mắn được chứng kiến những nghi thức độc đáo của người đồng bào Ê Đê thông qua lễ kết nghĩa của bà H’Djuăn Niê (sinh năm 1977, trú tại buôn Drai Sí) và ông Y Thôn Niê (sinh năm 1964, trú tại buôn Mlăng, xã Ea Tar).
Được biết, gia đình ông Y Thôn và bà H’Djuăn có mối thân tình từ nhiều năm nay. Tổ chức lễ kết nghĩa, hai bên gia đình mong muốn cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn.
Trước khi nghi lễ kết nghĩa chính thức diễn ra, chủ nhà là gia đình bà H’Djuăn và dân làng đã chuẩn bị 10 ché rượu cần, 1 con heo thiến, 2 con gà, gạo, nếp và các gia vị. Người Ê Đê quan niệm, người được kết nghĩa tức ông Y Thôn phải có mặt sớm, trước 5 giờ sáng thì chủ nhà mới được phép tiến hành mổ heo và chuẩn bị các lễ vật. Trong trường hợp người được kết nghĩa chưa có mặt thì chủ nhà chưa được phép làm bất cứ việc gì.
Cùng với các lễ vật, lễ kết nghĩa anh em không thể thiếu thầy cúng, người phụ cúng, nghệ nhân đánh cồng chiêng và sự chứng kiến của đông đảo bà con, họ hàng dòng tộc hai bên gia đình.
Ngay sau khi chuẩn bị xong lễ vật, mọi người quây quần bên nhau, ổn định chỗ ngồi trong căn nhà dài truyền thống. Cho đến khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc báo hiệu nghi lễ kết nghĩa anh em đã được bắt đầu. Để lễ kết nghĩa anh em được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và đúng phong tục, người Ê Đê luôn nhắc nhở nhau không được cãi vã, xích mích, quậy phá. Nếu người nào vi phạm sẽ bị phạt 2-3 con heo hoặc 1 con trâu hay 1 con bò.
Là nhân vật chính của buổi lễ, ông Y Thôn được mời đến ngồi bên cạnh mâm cơm cúng, lễ vật. Cùng lúc này, thầy cúng làm các thủ tục khấn bẩm báo thần linh, ông bà tổ tiên về chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em của dòng họ Niê buôn Drai Sí và dòng họ Niê buôn Mlăng. Đồng thời, thầy cúng cũng không quên dặn dò hai bên kết nghĩa phải thương yêu, bảo ban nhau làm ăn, có việc gì khó phải giúp nhau, không được chia rẽ, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo.
Tiếp đó, thầy cúng thực hiện nghi thức báo cho các thần trời, thần đất, kể từ buổi lễ này, hai người kết nghĩa sẽ thành một dòng máu, như anh em ruột thịt, phải thương yêu, giúp đỡ và bảo vệ nhau đến đời con cháu mai sau. Đặc biệt, không bên nào được làm hại bên nào.
Theo ông Y Mang - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cư Mgar, việc kết nghĩa anh em của người Ê Đê không chỉ có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục cộng đồng mà còn nhằm mục đích làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Qua đó tăng thêm tình đoàn kết của nhân dân.
Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc
Nghi lễ kết nghĩa anh em không thể thiếu nghi thức trao vòng đồng. Người Ê Đê quan niệm, vòng đồng tượng trưng cho sự bền vững. Theo đó, sau khi kết thúc các nghi thức cúng, các thành viên, người thân họ hàng trong gia đình chủ nhà sẽ lần lượt đến trao tặng vòng đồng cho người được kết nghĩa. Qua đó, mọi người mong muốn tình yêu thương giữa hai bên gia đình sẽ ngày càng gắn kết hơn nữa trong cuộc sống cũng như trong các sinh hoạt hàng ngày.
Ông Y Thôn Niê - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Tar cho biết: “Việc kết nghĩa anh em có ý nghĩa rất sâu sắc đối với cộng văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Theo đó, kết nghĩa không phân biệt dòng họ, dân tộc, tuổi tác, giới tính... Mọi người trong cộng đồng các dân tộc đều được kết nghĩa anh em để cùng nhau xây dựng đời sống vật chất và tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn an ninh quốc phòng tại địa phương. Từ đó, từng bước xây dựng khối đại đoàn kết, cộng đồng vững chắc”.
Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho hay, dân tộc Ê Đê nói riêng và cộng đồng 49 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung sở hữu rất nhiều vốn văn hóa đặc sắc, đặc biệt là nét văn hóa dân gian. Ngoài những độc đáo về văn hóa cồng chiêng, kiến trúc nhà dài,... thì các nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào Ê Đê rất đặc sắc, phong phú. Kết nghĩa anh em là một trong những nét đẹp độc đáo. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ động tái hiện, phục dựng và trình diễn nhiều lễ hội khác nhau của nhiều dân tộc khác nhau trên địa bàn tỉnh.