Văn học thiếu nhi trước những đòi hỏi mới

THANH XUÂN 25/09/2022 07:37

Ở Việt Nam, văn học cho thiếu nhi từ lâu đã nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ người cầm bút. Mới đây, một lần nữa, câu chuyện văn học thiếu nhi lại được đặt ra tại hội thảo “Châu Âu - Việt Nam về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên” diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội. Từ hội thảo này, những khó khăn, cũng như yêu cầu mới của văn học thiếu nhi lại được đặt ra.

Xu hướng đọc của thiếu nhi ngày nay có nhiều thay đổi, các tác giả viết sách cũng cần có sự nhập cuộc, song hành.

Chuyển biến cả chất và lượng

Mảng sách văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam từ lâu đã được các nhà văn chuyên nghiệp, và các cây bút quan tâm tuổi thơ quan tâm. Danh sách các tác phẩm văn học cho thiếu nhi, vì thế, có thể rất dài. Và đội ngũ những người viết cũng có thể liệt kê khó mà đầy đủ. Song song với điều này, từ rất sớm, những đơn vị xuất bản, hay các tờ báo chuyên cho thiếu nhi, về thiếu nhi cũng được hình thành.

Theo nhà văn Lê Phương Liên, sau 30 năm đổi mới, văn học thiếu nhi Việt Nam đã có sự biến chuyển cả về lượng và chất. Những trang văn học thiếu nhi hôm nay, không hề xa rời chức năng giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người cho thế hệ trẻ. Chỉ có một điều mới mẻ chính là việc truyền cảm tới người đọc ý nghĩa giáo dục của tác phẩm đã được thể hiện tinh tế, tôn trọng tâm lý trẻ em và tràn đầy tình yêu con người. Những tác phẩm đó đã được người đọc đón nhận nhiệt tình bởi các tác giả đã có thể chạm đến trái tim của các lứa tuổi. Có thể kể ra đây những tác phẩm có tính giáo dục cao với nghệ thuật thể hiện xuất sắc: Văn xuôi có “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh); “Vừa nhắm mắt vừa mở của sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần); “Xóm Bờ Giậu” (Trần Đức Tiến)… Thơ có “Con chuồn chuồn đẹp nhất” (Cao Xuân Sơn); “Mẹ Hổ dịu dàng” (Nguyễn Thụy Anh)…

Nối tiếp họ, những thế hệ sau cũng góp công sức không nhỏ cho “khu vườn” văn chương cho thanh thiếu nhi thêm sinh động, khởi sắc… Đặc biệt, kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, hàng loạt cây bút mới xuất hiện, với những sáng tác tâm huyết dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, nhiều nhà văn tên tuổi của các thế thệ đi trước vẫn tiếp tục có những sáng tác mới dành cho, hoặc hướng về lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên. Nói như bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi có phổ tuổi tương đối rộng, từ những tác giả thế hệ 5X, 6X, đến các tác giả thế hệ gen Z (sinh vào những năm 2000). Tuy nhiên, sung sức nhất vẫn là các tác giả thế hệ từ 7X đến 9X.

Bên cạnh trông cậy vào những cây bút tên tuổi, ăn khách thì các đơn vị xuất bản cũng dành sự quan tâm và đầu tư cho các cây bút mới. Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Trẻ cho biết, mảng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chiếm 40% doanh số của NXB Trẻ hiện nay. Chia sẻ 4 xu hướng xuất bản lớn về văn học thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng: Xu hướng đầu tiên, với các sáng tác cho thiếu nhi thành công của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh. Thứ hai là xu hướng làm mới tác phẩm cũ có giá trị, tác phẩm bán chạy, trong đó có cả làm mới, kể lại truyện cổ tích. Xu hướng thứ ba là văn học kỳ ảo, dù không bán chạy. Xu hướng thứ tư, là thơ đồng dao, ca dao có minh họa đẹp, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt. “Chúng tôi vẫn đầu tư cho đội ngũ mới để có tác phẩm mới phục vụ bạn đọc. NXB Trẻ đồng hành để khơi gợi đề tài cho tác giả, làm nhiều cách khác nhau để sách đến tay bạn đọc. Để hỗ trợ hoặc phát hiện các cây bút mới, các đơn vị xuất bản có thể thực hiện thông qua các cuộc thi về sáng tác văn học thiếu nhi”, ông Nam chia sẻ.

Bên cạnh các đơn vị xuất bản, một số cơ quan, tổ chức cũng có những hình thức để tìm kiếm, tôn vinh những tác giả viết cho thiếu nhi và thanh thiếu niên. Đơn cử như báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) từ 3 năm nay đã tổ chức giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn, qua đó góp phần tìm kiếm, phát hiện thêm những tác giả - tác phẩm viết cho thiếu nhi, đồng thời tôn vinh những nhà văn dành cả sự nghiệp viết cho thiếu nhi. Hay như Hội Nhà văn Việt Nam, hồi tháng 1 năm nay, cũng đã phát động cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi những mong tìm kiếm thêm nhiều tác giả - tác phẩm mới.

Kỳ vọng ở sự đổi mới

Tuy nhiên, khách quan mà nhìn nhận, văn học thiếu nhi ở Việt Nam cũng đang đối mặt những vấn đề cần quan tâm. Tại Hội thảo kể trên, đại diện một số đơn vị xuất bản cũng đã mạnh dạn chỉ ra các “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Chẳng hạn như sách dịch lấn át, thiếu vắng tác giả có kế hoạch dài hơi, giới trẻ ít mặn mà với văn hóa đọc…

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho rằng, văn học thiếu nhi ở Việt Nam đang khó khăn về đội ngũ sáng tác. Bên cạnh đó, đa số tác giả viết cho thiếu nhi thường hoạt động bằng nghề tay trái, vì thế các sáng tác thường mang tính chất manh mún. Ngoài ra, chưa có tác giả hoạch định một chiến lược dài hơi viết cho thiếu nhi.

Từ những thực tế đó, bà Phượng cũng đề xuất việc gây dựng một hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi và xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi ở Việt Nam. Điều này cần sự tập hợp, bắt tay hợp tác giữa các nhà xuất bản, các công ty sách tư nhân, cũng như một số cơ quan, tổ chức khác.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - đại diện NXB Kim Đồng thì cho rằng, sách văn học thiếu nhi trong nước hiện nay gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù đã có những giải thưởng chuyên môn động viên tác giả và nhà xuất bản nhưng sách thiếu nhi Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh cao từ sách dịch nước ngoài và các loại hình giải trí khác nên doanh thu chưa được cao. Vị đại diện nhà xuất bản chuyên cho thiếu nhi của Việt Nam nhận xét, văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian gần đây có phần thưa thớt hơn so với giai đoạn trước. Các chủ đề thời sự như bình đẳng giới, bảo vệ môi trường cũng dần xuất hiện, nhưng chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ chưa xuất hiện trong văn học.

Là người có những tiếp xúc trực tiếp với thiếu nhi qua các hoạt động của CLB Đọc sách cùng con và các hoạt động ở các trại hè trong và ngoài nước, TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh gửi gắm kỳ vọng, các tác giả viết văn học thiếu nhi Việt Nam có thể học hỏi và phá cách hơn, tưởng tượng nhiều hơn, để có nhiều nhân vật thú vị và đáng nhớ như trong văn học nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các cộng đồng đọc sách bé nhỏ đấy để khuyến khích tạo động lực đọc sách.

THANH XUÂN