Tiếng thở dài giữa đại ngàn Pù Luông

NGUYỄN CHUNG 25/09/2022 07:36

Trong nhiều năm qua, đời sống của hơn 300 hộ dân thuộc 3 bản: Pốn Thành Công, Cao Hoong, Kịt (thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) bị “nghèo hóa” bởi nằm trong vùng quy hoạch lõi và nay là vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Thiếu đất sản xuất, đất ở, tư duy canh tác lỗi thời đã khiến cái nghèo, đói đeo bám...

Một góc bản Kịt, xã Lũng Cao.

Cái nghèo đeo bám

Cơn mưa rừng dai dẳng từ mấy ngày trước khiến con đường dài hơn 20 km dẫn vào 3 bản: Pốn Thành Công, Kịt, Cao Hoong trở nên lầy lội và khó nhọc. Những con dốc trơn trượt, cộng với tiếng gầm gào của của con thác nằm đâu đó giữa rừng như thêm phần thách thức chúng tôi.

Ông Hà Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, nhìn tôi ái ngại: “Các anh cứ yên tâm, đường đi có khó chút thôi nhưng chỉ còn vài quăng dao nữa là đến! Nếu mưa lớn quá thì chúng ta có thể kẹt lại giữa rừng. Mà nếu có bị kẹt đi chăng nữa thì cũng đã có thuyền để di chuyển”.

Để vào được với bà con thuộc 3 bản nói trên trong điều kiện thời tiết này quả là khó! Con đường chúng tôi đi khi thì ngược dốc dựng đứng, lúc như bị trôi tuột vào vực sâu hun hút. Chỉ di chuyển được phân nửa quãng đường, tôi cũng phần nào hình dung được những vất vả, khó khăn và cả hiểm nguy đối với đồng bào mỗi khi ra trung tâm xã.

Phải quá trưa chúng tôi mới đến được bản Kịt. Trên con dốc cheo leo đầu bản là căn nhà sàn mái tranh đã tơ tướp vì thời gian của bà Vi Thị Muộn. Căn nhà cũ kỹ, được trao truyền từ nhiều đời, nay chật chội, xuống cấp và đây cũng là nơi trú ngụ của một gia đình gồm 3 thế hệ, 6 con người. Vừa chậm rãi tuốt những hạt lúa ra khỏi bó lúa khô, bà Muộn vừa thở dài nói: “Nhà bố mẹ chồng cho từ mấy mươi năm trước thế nào thì nay vẫn chẳng có gì thay đổi. Tại cái nghèo cả đấy”.

Tôi đưa mắt quan sát một lượt căn nhà. Ở đây, cái nghèo không chỉ hắt ra từ tiếng thở dài của người đàn bà khô sạm chốn đồng rừng mà nó còn ở từng kẽ liếp cửa trống hoác, sự tuềnh toàng của căn nhà. Ngay giữa sàn là bếp lửa leo lét cháy - một đặc trưng mà ít gia đình người Thái còn giữ lại như một nét văn hóa. Phía trên bếp, bà Muộn treo kín những đon lúa, xâu ngô, củ sắn, củ mài... đã chuyển màu đen kịt, bám đầy bồ hóng.

“Tất cả lương thực dự trữ cho mùa giáp hạt đấy. Nói vậy thôi, chứ chỉ nay mai là hết. Nhà có 1 sào ruộng nên năm nào cũng thiếu gạo. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì đói. Rồi bà lại tiếp lời như muốn phân bua: “Cũng muốn phát thêm cái rẫy cho rộng cái ruộng, trồng thêm cây lúa, cây ngô cho đỡ phải ăn nhờ gạo Nhà nước, nhưng làm vậy là mình vi phạm vào đất rừng”.

Mặc cho tôi đang ngơ ngác giữa không gian xa lạ, bà Muộn lọm cọm đứng dậy với tay lấy một đon lúa trên gác bếp xuống, cho vào chiếc nong, đôi tay gầy bám vào một thanh xà nhà, đôi chân đen đúa chà liên hồi vào bó lúa... Tôi lặng lẽ ngồi nhìn bà Muộn làm công việc bếp núc. Chỉ cách trung tâm xã hơn 20 km nhưng dường như ở đây là một thế giới rất khác. Nghèo nàn, lạc hậu và tù túng.

Ông Hà Văn Tuấn bộc bạch: Cuộc sống của bà con các bản Cao Hoong, Kịt, Pốn Thành Công suốt một thời gian dài phải chịu đói nghèo cũng bởi không có điện lưới quốc gia. Không ti vi, không loa truyền thanh, không sóng điện thoại và không có cả máy xay xát... Cuộc sống cứ thế quẩn quanh, ảm đạm gắn với cái nghèo. “Gần như 100% hộ dân tại 3 bản đều thuộc diện hộ nghèo, số còn lại là cận nghèo. Mỗi lần xã tổ chức họp thôn, bản để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vì không thể liên hệ bằng điện thoại nên phải cử một cán bộ vào tận bản trước 1, 2 ngày để thông báo họp. Vất vả lắm anh ạ!” - ông Tuấn thở dài nói.

Chiều nay, thầy Ngân Văn Thoa - Trưởng khu Kịt đang cùng các thầy cô và dân bản dọn vệ sinh quanh điểm trường. Vừa quệt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt đen sạm, thầy Thoa vừa cho biết: Khu Kịt hiện có 2 lớp ghép 4 trình độ (lớp 1 và lớp 2; lớp 4 và lớp 5) với tổng số gần 20 học sinh. Chỉ 20 học sinh thôi, nhưng nhiều năm qua lớp học vẫn tranh - tre - nứa - lá. Mặc dù không còn tình trạng học sinh bỏ học như trước, nhưng lực học của con em nơi đây khó mà khá lên được. Mùa đông thôi, các con ở nhà còn có cây nến thắp lên, lấy ánh sáng để học, chứ lên lớp, nhất là vào những hôm sương mù dày đặc, dù mở toang các cửa phòng nhưng ánh sáng cũng không đủ, thầy trò phải căng mắt lên để dạy và học.

Thiếu đất sản xuất, thiếu điện lưới đã khiến đời sống của người dân nơi đây rất khó khăn.

Tìm giải pháp thoát nghèo căn cơ

“Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến cái nghèo cứ mãi đeo bám bà con 3 bản trong vùng lõi rừng Pù Luông?” Trả lời cho câu hỏi này, Trưởng bản Kịt Hà Văn Thao sau một hồi suy tư cho biết: Cái khó của bà con các thôn, bản nơi đây là thiếu đất sản xuất, đất ở. Kể từ khi bị quy hoạch vào vùng lõi và nay là vùng đệm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thì cuộc sống của bà con bị giới hạn trong những quy định ngặt nghèo. Xuống khỏi nhà là đất rừng, đất khu bảo tồn... Nhiều gia đình muốn tách hộ, dựng cái nhà mới nhưng không được.

Bên cạnh đó, người dân bản vốn đã hình thành và có từ lâu đời. Tuy nhiên, sau khi khu bảo tồn được thành lập, những quy định đã ghì níu cuộc sống của người dân. Nếu như so với trước khi khu bảo tồn được thành lập, thì nay người dân chịu nhiều áp lực hơn. “Thiếu đất sản xuất, đất ở, con em khi lớn lên, phần nhiều đều phải “ly hương” đi làm ăn xa. Bản làng chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ... Thống kê, riêng bản Kịt, cả bản có 36 hộ, 152 nhân khẩu thì chỉ duy nhất có 2 hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo truyền thống. Và sẽ còn nghèo “bền vững” nếu không sớm có những giải pháp căn cơ” - Trưởng bản Hà Văn Thao nói.

Để trả lời cho câu hỏi trên, ông Trịnh Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, huyện Bá Thước - người từng có 1 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cũng cho biết: Đó là câu hỏi lớn cần lời giải từ nhiều cấp, ngành. Không thể di dời bản làng, địa phương đã nỗ lực trong việc phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để tiến hành rà soát lại diện tích đất ở, đất canh tác, diện tích đất chồng lấn để từ đó phân loại và đưa ra những đề xuất. Cái khó là nhiều hộ dân từ nơi khác chuyển đến định cư, cùng với đó là việc các hộ dân thêm khẩu, tách hộ... dẫn đến thực trạng, nhiều hộ có nhà ở ổn định nhưng đất vẫn thuộc đất rừng, không được cấp trích lục. Không có trích lục, đồng nghĩa với việc gặp không ít khó khăn về thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội cũng như vay vốn phát triển sản xuất.

Để duy trì đời sống của người dân, địa phương đã khuyến khích bằng nhiều cơ chế hỗ trợ từ các Chương trình 134, 135, 30a. Mấy năm trở lại đây, ngoài hỗ trợ con giống, chính quyền cũng tạo điều kiện hỗ trợ con em trong việc đi xuất khẩu lao động, làm công nhân tại các khu công nghiệp. Vấn đề về đất sản xuất, địa phương đã rà soát, đề xuất “xin đất” bằng văn bản. Nếu được chấp thuận, thì quỹ đất có thể giúp bà con canh tác là hơn 30 ha (trong đó, bản Kịt: 10 ha; Cao Hoong: 10 ha, Pốn Thành Công: gần 15 ha). “Bên cạnh việc bố trí đất sản xuất cho bà con, cái chính vẫn là phải thay đổi tư duy trong canh tác, sản xuất. Chỉ có thay đổi và dẹp bỏ những suy nghĩ lạc hậu trong canh tác ngay khi có đất sản xuất thì cuộc sống của bà con tại 3 bản trong vùng đệm rừng Pù Luông mới có thể khởi sắc”, ông Dũng mong mỏi.

Ông Lê Đình Phương - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: Trước đây, khu bảo tồn có tất cả 8 thôn, bản nằm trong vùng lõi và bị giới hạn bởi nhiều quy định ngặt nghèo. Nay, theo quy hoạch đến năm 2030 vừa được phê duyệt, thì hiện 8 thôn, bản (trong đó có 3 thôn, bản như: Pốn Thành Công, Cao Hoong, Kịt) không còn nằm trong vùng lõi khu bảo tồn. Các thôn, bản thuộc vào vùng đệm trong. Không còn là cư dân vùng lõi rừng, đồng nghĩa với việc các hộ sinh sống lâu nay sẽ được cấp trích lục về quyền sử dụng đất. Nhưng cái khó với bà con vẫn là thiếu đất sản xuất, canh tác. Việc này vẫn đang dừng lại ở đề xuất.

NGUYỄN CHUNG