Cuộc chiến chống hàng giả vẫn gian nan
Buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại vẫn diễn biến khó lường, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, làm phương hại đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thậm chí, nhiều mặt hàng giả như thuốc, thực phẩm chức năng rởm gây nguy hiểm đến tính mạng của người tiêu dùng.
Thống kê của Bộ Công thương, tình trạng hàng giả, hàng nhái từ đầu năm đến nay rất tinh vi, phức tạp. Trước đây, hàng giả chỉ tập trung một số mặt hàng như mỹ phẩm, đồ gia dụng... thì hiện diễn ra ở rất nhiều mặt hàng, như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, phân bón. Đáng chú ý, vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả có chiều hướng gia tăng gây bất an trong dư luận xã hội.
Tại Hà Nội, trong tháng 9, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 2.724 vụ; xử lý 2.505 vụ hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 532 vụ, xử lý 552 vụ (trong đó, xử phạt 522 vụ, không xử phạt 30 vụ; xử lý 21 vụ tồn). Xử phạt hành chính 6,634 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 4,866 tỷ đồng.
Tại Bắc Ninh, vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ một số lượng lớn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả hoàn toàn, nhiều đồ gia dụng, vật tư y tế, giả các nhãn mác…
Việc các sản phẩm bị làm giả, làm nhái thực sự gây bức xúc trong dư luận, khi mà không ít sản phẩm “fake” còn đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Gần đây, tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng “rởm” hoành hành trên thị trường gây tâm lý bất an cho người dân, doanh nghiệp chân chính.
Liên quan đến thực trạng thuốc, thực phẩm chức năng rởm, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc, trong đó vi phạm về chất lượng, công dụng là 60 vụ; giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu là 357 vụ; vi phạm về tem, nhãn, bao bì, hàng hóa giả với 34 vụ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 162 vụ và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là 982 vụ. Tổng số tiền phạt vi phạm trên 8,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thực trạng thuốc giả thực phẩm chức năng giả tràn lan ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, cũng gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp. Không ít những sản phẩm có giá trị cao bị làm giả, làm nhái phổ biến hiện nay như tổ yến, sâm Ngọc Linh... đang khiến uy tín của các DN chân chính bị hao tổn, người tiêu dùng thì lâm cảnh “tiền mất tật mang”.
Nói về nguyên nhân thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả còn tồn tại, ông Lê cho rằng, việc này xuất phát từ lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là rất lớn, đặc biệt là với nhóm thuốc và thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, do ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn tự ý mua thuốc không qua kê đơn tại các hiệu thuốc hoặc trên các chợ mạng. Ngoài ra, còn do thương mại điện tử phát triển vượt bậc dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử để ngăn chặn. Từ đó dẫn đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn có đất sống.
Để hạn chế rủi ro, các chuyên gia khuyến cáo, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của những người tiêu dùng trước hoặc là của các doanh nghiệp đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý.
Có thể thấy, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn là một cuộc chiến lâu dài và sẽ cần đến sự đồng tâm, hợp lực của toàn xã hội cùng với sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách, đặc biệt là siết chặt các chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ cái quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng.