Quảng Bình: Ngăn chặn nạn tận diệt chim trời
Trước vấn nạn săn bắt chim trời, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thành lập các đoàn liên ngành ra quân xử lý các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.
Vào tháng 9, 10 hàng năm, sau vụ mùa, đồng ruộng ở Quảng Bình bỏ không để tránh lũ cũng là lúc các loại chim di cư tìm đến. Những chiếc bẫy, lưới chụp, cò giả… được giăng ra để tận diệt các loài chim trời. Ngày 23/9, Mặt trận xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) phối hợp với Công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã tổ chức kiểm tra, kiểm soát để tuyên truyền và ngăn chặn các hành vi tận diệt chim trời. Trên cánh đồng thôn Vân Tiền (xã Quảng Lưu), sau mùa gặt là địa điểm để một số người dân chọn làm nơi đặt bẫy chim trời. Tại đây, họ găm cả hàng chục con cò giả được làm bằng xốp, rồi cắm các thanh tre đã được quệt chất keo dính (dân săn chim gọi là nhạ) ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây. Đoàn đã kiểm tra và phát hiện 2 trường hợp người ngoài địa phương đến đặt bẫy chim; thu giữ và tiêu hủy 57 cò giả, hơn 500 que nhạ và thả về tự nhiên 7 cá thể cò hương bị bẫy.
Tại xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn, Công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hành vi đánh bắt chim, cò trái phép trên đồng ruộng.
Qua kiểm tra, đoàn đã tháo gỡ và tiêu hủy tại chỗ hơn 1.000m lưới “tàng hình”, hơn 1.500 que tre nhỏ gắn keo dính và hàng chục con cò giả của người đánh bắt trái phép giăng, đặt trên đồng ruộng để bẫy, bắt chim, cò. Việc đánh bắt trái phép chim, cò trên ruộng đồng mùa chim di trú làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học và đe dọa môi trường sống của con người. Theo Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, người có hành vi săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng.
Hiện tại, các ban, ngành chức năng phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp tuyên truyền và để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và chấm dứt, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi săn, bẫy, bắt các loài chim hoang dã.