Chặn 'rau rởm' biến hình

Khanh Lê-Minh Sang 26/09/2022 14:00

Liên quan đến việc rau VietGAP rởm “biến hình” vào hàng loạt siêu thị, nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó” cần sự minh bạch trong các khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Mô hình sản xuất rau hữu cơ tại tỉnh Hòa Bình.

Chưa có sự kiểm tra chặt chẽ

Trước thông tin có đơn vị cung cấp mua rau ngoài chợ rồi dán nhãn VietGAP đưa vào các siêu thị, tại cuộc họp khẩn về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng nông lâm thủy sản mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã thẳng thắn cho rằng, sự việc rau trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ được người ta dán nhãn VietGap để “tuồn” vào siêu thị cho thấy chuỗi các ngành hàng nông sản vẫn bị đứt gãy, tình trạng gian dối vẫn còn đất sống. Hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng dễ dãi, trong cả cung và cầu các mặt hàng nông sản và đó là vấn đề phải điều chỉnh.

Nhìn nhận về vụ việc rau rởm tuồn vào siêu thị, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ cho rằng, vụ rau chợ không rõ nguồn gốc “biến hình” thành rau VietGAP là chuyện không sớm thì muộn sẽ xảy ra, bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát. Nhiều siêu thị khi ký hợp đồng với nhà sản xuất, đã không kiểm tra, kiểm soát kỹ càng lại lơ là việc kiểm định sản phẩm. Để tránh gặp phải vấn đề này trong quá trình kinh doanh, bà Hậu khuyến cáo các nhà phân phối cần hạn chế mua hàng của đối tác trung gian. Thay vào đó, cần làm việc trực tiếp với các cơ sở cung cấp như trang trại, hợp tác xã, đồng thời có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào. Các nhà phân phối cần trao đổi với bên cung cấp về năng suất, đưa ra các đơn hàng phù hợp, tránh trường hợp quá tải rồi phải mua hàng trôi nổi bên ngoài.

“Cơ quan quản lý cần tìm biện pháp để kiểm tra, kiểm soát trên quy mô rộng hơn, cùng với đó là nâng cao vai trò của các địa phương trong quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn. Để có cơ chế kiểm soát, kiểm tra hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý cần mạnh tay xử phạt nghiêm đối với các đơn vị làm ăn gian dối để không làm ảnh hưởng đến người làm ăn chân chính” - bà Hậu đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Văn Chữ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín, Hà Nội), hiện nay, hàng nông sản trong nước truy xuất nguồn gốc rất hạn chế, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ ở các khâu dẫn đến vẫn xuất hiện những thực phẩm không an toàn tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể...

Cần mạnh tay xử lý

Mạnh tay xử lý với những hành vi biến hình rau bẩn dán nhãn VietGAP là mong muốn của nhiều chủ hộ sản xuất rau sạch cũng như người tiêu dùng. Là chủ cửa hàng cơm văn phòng tại phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Công chia sẻ: Hàng ngày quán đều nhập rau tại siêu thị để chế biến, tôi đã rất yên tâm chi số tiền chênh lệch hơn so với mua rau ở chợ vì tin tưởng rau vào siêu thị đảm bảo an toàn, có xuất xứ, nguồn gốc và hóa đơn đầy đủ. Vẫn biết “con sâu làm rầu nồi canh” song mong ngành chức năng vào cuộc và kiên quyết xử lý để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như người nông dân làm ăn chân chính.

Đồng tình, anh Nhân - chủ cửa hàng tiện lợi tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, ngay sau khi báo chí, mạng xã hội thông tin về vụ việc rau bẩn dán mác rau sạch cửa hàng của anh hầu như bị ế các loại rau xanh. Trong khi trước đó rau xanh, các loại rau gia vị được xem là thế mạnh, là mặt hàng chủ lực đem lại doanh thu cho cửa hàng. “Mặc dù cửa hàng của tôi không nhập của những đơn vị bị “bêu” tên nhưng sau vụ việc rau bẩn người tiêu dùng mất niềm tin là điều dễ hiểu. Để bảo vệ người tiêu dùng cũng như những doanh nghiệp làm ăn chân chính theo tôi quy trình rất cần sự giám sát một cách trách nhiệm hơn nữa của nhà cung cấp, các siêu thị, cơ quan chức năng” - anh Nhân chia sẻ.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng nhà cung cấp thu mua rau tại các chợ đầu mối rồi dán nhãn rau sạch, rau an toàn, VietGAP. Cách đây vài năm, đã từng xảy ra câu chuyện tương tự khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội kiểm tra đột xuất và phát hiện HTX rau an toàn Đạo Đức (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) đã thu gom rau trôi nổi ở chợ đầu mối, thậm chí là rau, củ không rõ nguồn gốc từ ngoài để đưa vào các siêu thị, bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn Hà Nội. Sự việc đã từng khiến dư luận “dậy sóng” trong một thời gian dài.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), số cơ sở trồng trọt áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và tương đương đang tăng nhanh. Năm 2018, có 1.845 cơ sở áp dụng VietGAP, VietGAHP với diện tích 20.000ha, đến hết 9 tháng năm 2022 là 8.304 cơ sở với 480.000ha. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục đã thực hiện kiểm tra dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng với 2.503 mẫu. Kết quả cho thấy có 40 mẫu vi phạm dư lượng, chiếm 1,6%. Kiểm tra vi sinh với 13 mẫu, kết quả không có mẫu nào vi phạm về chỉ tiêu vi sinh.

Khanh Lê-Minh Sang