Giúp nhạc sĩ 'sống khỏe' bằng bản quyền
Sau 20 năm thành lập, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) không chỉ là nơi bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, mà còn góp phần thúc đẩy sự sáng tạo, nuôi dưỡng đam mê cho nhiều tác giả.
Mái nhà chung của các tác giả
VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002. Trải qua chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, đến nay trung tâm đã từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế. Theo báo cáo của VCPMC, tính đến tháng 9/2022, Trung tâm đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất… với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, thống kê tổng số tiền VCPMC đã thu được qua 20 năm 2002-2021 là hơn 1.000 tỷ đồng.
Có thể nói, với những thành tựu đã đạt được, VCPMC được coi là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam. Bởi thực tế cho thấy, mô hình cũng như cách vận hành của VCPMC không mới. Ở các nước phát triển, bảo vệ quyền tác giả hiệu quả nhất đều do hội nghề nghiệp thực hiện. Những người sáng tạo tự nguyện tập hợp trong một tổ chức và lẽ dĩ nhiên, hội nghề nghiệp sẽ bảo vệ quyền lợi “sát sườn” của hội viên. Trong vấn đề bảo vệ tác quyền, hội sẽ theo dõi tình hình sử dụng tác phẩm, nhận ủy thác phí sử dụng chi trả lại cho tác giả, sẵn sàng thông báo với cơ quan chức năng về hành vi xâm hại, thậm chí đồng hành với nghệ sĩ ra tòa đòi công lý.
Nhạc sĩ Hoài An cho biết, anh là một trong số những nhạc sĩ đầu tiên ký hợp đồng với VCPMC. Qua những con số thực tế, anh thấy quyền lợi của mình được đảm bảo, thậm chí hơn mức mong đợi. Với cá nhân anh, số tiền thu được đến nay gấp vài trăm lần so với thời kỳ đầu. Nhạc sĩ Hoài An bày tỏ, quan trọng nhất là người làm sáng tạo phải yên tâm với cuộc sống của mình. “Đối với người làm sáng tạo, việc tự mình phải đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ các trung tâm họ sử dụng nhạc của mình nhưng không có thiện chí thì rất đau lòng. Tôi từng gặp trường hợp khó chịu đến mức muốn bỏ luôn. Khi có VCPMC thì tôi không cần làm việc đó”.
Nhìn nhận kết quả đã đạt được của VCPMC, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam bày tỏ, nhìn lại chặng đường của VCPMC với nhiều thành tựu nhưng cũng lắm gian truân. Thành tích ngày hôm nay là tích cực ở lĩnh vực bản quyền, bảo vệ quyền tác giả, bảo vệ những lợi ích chính đáng cho người sáng tạo. “Đây có thể nói là hình ảnh, hình mẫu cho việc quyết liệt bảo vệ những giá trị tinh thần, sáng tạo, âm nhạc… của các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhìn nhận.
“Địa chỉ đỏ” bảo vệ quyền lợi
Bên cạnh việc mang lại lợi ích vật chất cho các tác giả ở trong nước và quốc tế, Trung tâm thường xuyên đấu tranh mạnh mẽ đối với những hành vi xâm phạm quyền nhân thân và quyền vật chất của tác giả. Phối hợp với các cơ quan pháp luật để giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên từ việc thu thập chứng cứ, hành vi xâm phạm đến cảnh báo vi phạm, áp dụng biện pháp hành chính hoặc tố tụng tại tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định diễn ra trên môi trường số, đặc biệt là youtube. Theo thống kê của VCPMC hiện nay đang có hàng trăm chương trình biểu diễn đã, đang và sẽ được diễn ra nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Có thể nói câu chuyện vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc đang diễn ra “nhan nhản” tại thị trường âm nhạc của Việt Nam hiện nay.
Đơn cử như vụ việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khi phát hiện thấy có các phiên bản ca khúc “Vầng trăng khóc” do anh sáng tác được hát bằng tiếng Thái, Lào, Campuchia... Lúc đó, cả khán giả đều nghĩ nhạc sĩ “đạo nhạc” và không có cách nào chứng minh sự trong sạch của mình. Anh sau đó nhờ VCPMC gửi đơn lên Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời (CISAC) để kiểm tra và công nhận bài hát là của mình. Nhờ đó, nhạc sĩ đã được trả lại danh dự.
Vị nhạc sĩ này bày tỏ, xin đừng vội chê trách “nghệ sĩ mà chỉ nghĩ đến tiền” vì có ai sống mà không cần tiền, để lo cho bản thân, cho gia đình, cho mẹ cha, cần có cảm xúc để sáng tạo, và cũng cần tiền để duy trì cuộc sống. Thu nhập của người nhạc sĩ cũng nói lên sự thành công của những sản phẩm của họ. “Nếu không có VCPMC, tôi đã không nhận ra giá trị được quy đổi thành vật chất của những bài hát của mình bên cạnh giá trị tinh thần, và tôi đã không nhận ra được mình đang sở hữu một gia tài to lớn như thế. Đó cũng sẽ là di sản sau này tôi có thể để lại cho con cháu, cho hậu thế” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Nhìn nhận về hành trình 20 năm, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng Giám đốc VCMCP cho biết, Trung tâm đã và đang thực hiện chi trả tác quyền cho nhạc sĩ theo từng quý (3 tháng/lần). Cùng với việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm, thời gian qua. Bên cạnh đó, VCPMC đã nỗ lực rà soát thị trường sự dụng âm nhạc, đặc biệt là trên nền tảng số. Tích cực liên hệ, thuyết phục, đàm phán cùng các đơn vị sử dụng nhằm duy trì ổn định nguồn nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm…
“Đó là một trong các lý do giúp nguồn thu các nhạc sĩ tăng lên đáng kể. Có những nhạc sĩ may mắn có thể nhận được số tiền lên tới vài trăm triệu đồng một quý” - ông Đinh Trung Cẩn nói.
Tổng Giám đốc VCPMC cho biết thêm, Trung tâm đã và đang thực hiện chi trả tác quyền cho nhạc sĩ theo từng quý (3 tháng/lần). Cùng với việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Bên cạnh đó, VCPMC đã nỗ lực rà soát thị trường sự dụng âm nhạc, đặc biệt là trên nền tảng số. Tích cực liên hệ, thuyết phục, đàm phán cùng các đơn vị sử dụng nhằm duy trì ổn định nguồn nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm…