Nghệ sĩ Việt liên tục bị 'sờ gáy' vì MV phản cảm, dung tục
MV của Chi Pu bị lên án vì chứa hình ảnh phản cảm trong khi sản phẩm của Sơn Tùng MTP bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt. Những bài hát ra mắt của nghệ sĩ Việt thời gian qua chưa làm hài lòng khán giả.
Chín tháng đầu năm 2022, làng nhạc chứng kiến nhiều sản phẩm chứa hình ảnh táo bạo gây phản cảm. Điển hình trong số đó là loạt MV triệu view như: “Ông bà già tao lo hết”, “Trơn”, “Lái máy bay”, “Bốc bát họ”, “Quan hệ rộng” đã được rapper Bình Gold gỡ khỏi kênh Youtube gần 1 triệu lượt đăng ký sau khi bị lên án.
Không chỉ vướng nghi án đạo nhái, MV ca nhạc ngày nay còn sử dụng ồ ạt những hình ảnh phản cảm, dung tục khiến công chúng đặt ra nghi vấn. “Đây phải chăng là “chiêu trò” câu view”?
Nhiều MV chứa hình ảnh phản cảm, dung tục
Tháng 7/2022, Sơn Tùng MTP ra mắt MV “There’s no one at all”. MV ngay sau đó nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì có cái kết bi thảm, không phù hợp với chuẩn mực. Đặc biệt, MV còn chứa nhiều cảnh nhân vật khổ sở giằng xé nội tâm kèm những câu hát chán chường cuộc sống. Không tìm thấy lối ra trên con đường tăm tối chạy mãi mà chẳng thấy điểm dừng, cuối cùng, cái chết lại trở thành lựa chọn duy nhất để giải thoát một tâm hồn vốn đã mục rữa từ bên trong.
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến không đồng tình với câu chuyện bi kịch trên. Họ cho rằng MV của anh mang đến thông điệp sống tiêu cực và độc hại, nhất là khi một số sự vụ đáng tiếc về việc tự sát của lứa tuổi thanh thiếu niên vừa xảy ra liên tiếp.
Trước đó, loạt MV “Rap chậm thôi” và loạt mixtape của Bray cũng biến mất sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng. Trong số các MV biến mất, đáng chú ý là chuỗi MV triệu view của rapper Bình Gold. Sở dĩ các MV có kết cục như vậy là vì ca từ, hình ảnh, cảnh quay được cho là phản cảm và sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.
Những ngày qua, dư luận xôn xao về hai MV của Chi Pu. Dù 2 sản phẩm được đầu tư kỹ lưỡng nhưng đều bị chỉ trích vì quá sexy, nhạy cảm. Nếu như ở “Black Hickey”, khán giả cho rằng ý nghĩa tổng thể của MV nông cạn, mập mờ như một bộ phim 18+ chốn văn phòng. Những chi tiết khiến MV vướng tranh cãi có thể kể tới cảnh Chi Pu leo lên bàn làm việc và có nhiều động tác quyến rũ nhân vật nam.
Tuy nhiên, bất chấp tranh cãi từ những sản phẩm trước đó, Chi Pu tiếp tục theo đuổi phong cách sexy trong sản phẩm gần nhất là “Sashimi”.
Đáng nói, trong chương trình “Góc nhìn văn hóa” mới lên sóng với chủ đề "Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả", MV Sashimi bị chê gợi dục. Chương trình thậm chí gọi sản phẩm này là “rác”.
Nghệ sĩ Việt tự làm khó mình?
Một số chuyên gia âm nhạc nhận định, dù có lợi thế, tiềm năng nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam chưa tạo ra được một đời sống âm nhạc đúng nghĩa, chưa thực sự chuyên nghiệp, lành mạnh.
Những ca khúc kể trên đều đảm bảo số lượng người xem, thậm chí có những MV có lượt truy cập “khủng”. Thế nhưng, xu hướng làm MV trong thị trường Vpop luôn thay đổi theo từng trào lưu thịnh hành và việc đưa nhiều cảnh "nóng", bạo lực vào các sản phẩm cũng khiến công chúng lo ngại.
Chưa kể, trong bối cảnh hội nhập trong thời đại 4.0, có một điều dễ khiến các ca sĩ trẻ lầm tưởng MV có nhiều cảnh nóng sẽ thu hút khán giả. Tuy nhiên, ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục rất mong manh, sử dụng những cảnh quay này ở mức độ nào là vừa đủ... hiển nhiên cũng không phải ca sĩ nào cũng ý thức được điều này. Sử dụng MV có tần suất “cảnh nóng” xuất hiện nhiều, phải chăng nghệ sĩ Việt cũng đang tự làm khó chính mình?
Nền âm nhạc Việt Nam sau các thế hệ “cây đa cây đề” như Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… đã thấy xuất hiện những nhân tố mới, là các tác giả trẻ với những sáng tác mang âm hưởng đương đại, mới mẻ, giàu cảm xúc như: Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Sa Huỳnh…
Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn ca khúc mới, kể cả lĩnh vực âm nhạc kinh điển như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước. Điều này vừa đặt ra thử thách, vừa tạo cơ hội cho những người trẻ có tài năng, đam mê đến gần hơn với công chúng.
Có lẽ điều cốt yếu mà một ca sĩ cần đến chính là lắng nghe thị hiếu người xem. Và chỉ khi nghệ sĩ thật sự hoạt động nghiêm túc, chỉn chu, đầu tư cho sản phẩm của mình, nghĩ đến cả những hệ lụy, tác động đến xã hội thì khi đấy sản phẩm của người nghệ sĩ mới nhận về sự đón nhận từ công chúng.