Không phong kín di sản

PHƯƠNG MAI 30/09/2022 10:21

Trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, phía chuyên gia cho rằng, “viên ngọc” vô giá này vẫn chưa được bảo tồn và phát huy xứng tầm. Để tạo sức sống cho di sản, Hà Nội cần phương pháp bảo tồn có chọn lọc.

Một số hiện vật được tìm thấy trong các đợt khai quật Hoàng thành Thăng Long. .

Nhiều đề xuất cho rằng việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành Thăng Long phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hi sinh cái kia. Mặt khác, một số ý kiến lưu ý không được phong kín di sản, bởi di sản chỉ có ý nghĩa khi nó tỏa sáng và mang hơi thở của cuộc sống đươ ng đại.

Di sản trải dài 13 thế kỷ

Bảo tồn và phát huy giá trị, “thổi hồn” vào di sản là việc làm cần thiết đối với các di sản. Với di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long công tác này có ý nghĩa lớn lao hơn rất nhiều. Nói như PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chúng ta có Hoàng thành Thăng Long - kinh đô từ 1.300 năm trước đây cho tới tận bây giờ. Điều này cho thấy rất rõ giá trị văn hóa và lịch sử. Nó cho thấy người Việt Nam chúng ta có truyền thống về văn hiến.

Vào thế kỷ 11 - năm 1010, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật Rồng thiêng bay lên.

Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ 11 - thế kỷ 12) đến thời Nguyễn (thế kỷ 19 - thế kỷ 20), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển Thành Đại La trở thành Thăng Long - Đông Kinh - Hà Nội với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.

Cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những khai quật đầu tiên được tiến hành tháng 12/2002, tại Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội). Kết quả khai quật đã phát lộ những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Đây là một quần thể di tích, di vật mang bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời; là một di tích văn hóa, lịch sử và khảo cổ tiêu biểu; là bằng chứng vật chất, phản ánh trình độ kỹ thuật cao, chứa đựng các giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật. Đồng thời, phản ánh sự giao thoa văn hóa trong một quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử và khảo cổ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di tích quốc gia đặc biệt. Gần 10 năm kể từ ngày phát lộ, năm 2010, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa của thế giới, đúng vào dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Việc phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long mà theo như các chuyên gia đánh giá, đó là thể hiện sự nối tiếp liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam.

GS sử học Lê Văn Lan nhấn mạnh, trong các tiêu chí của UNESCO đưa ra, di tích Hoàng thành Thăng Long nổi bật lên ở tiêu chí là trung tâm quyền lực của nước Việt qua suốt các thời gian từ thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ 20. Rất ít, thậm chí là không thấy ở đâu có một di tích với bề dày lịch sử mà đồng thời có vai trò là trung tâm quyền lực. Lịch sử, văn hóa của một đất nước nó biểu trưng ở kinh đô. Mà kinh đô của vương triều. Vương triều là bộ phận chính yếu quan trọng nhất của lịch sử đất nước. Qua mỗi thời kỳ, người ta thấy nó diễn biến, thay đổi liên tục mà mỗi thời kỳ đều có những cái khác nhau. Nhưng nó tiếp nối, cái này nối tiếp cái kia và được phát huy, gìn giữ cho tới ngày nay. Và đó chính là điều làm nên lịch sử Việt Nam.

Ngói ống tạo hình con Rồng, men vàng, thời Lê sơ (thế kỷ 15).

Rào cản phát huy giá trị

Mới đây, tại Hội thảo “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” nhằm đánh giá những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt là kết quả khai quật khảo cổ học kể từ khi khu di sản được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, giới chuyên gia đã nêu những khó khăn đang đặt ra trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.

Có thể thấy những khó khăn: Di sản được hình thành và tồn tại trong thời gian dài hơn 13 thế kỷ với nhiều biến động theo thời gian và thăng trầm lịch sử của Thăng Long - Hà Nội có tác động trực tiếp đến di sản; Về di sản vật thể, các di sản quan trọng của 3 triều đại phong kiến Việt Nam Lý - Trần - Lê hầu như chỉ còn dấu tích trong lòng đất.

Hiện trên mặt đất chỉ còn một số di tích thời Nguyễn và một số công trình thời Pháp. Việc phục dựng các di sản trong Hoàng thành phải chấp nhận phương án tối ưu, nghĩa là giữ được cái này có thể phải hi sinh cái kia. Vấn đề này đòi hỏi phải nghiên cứu thận trọng và có ý kiến của các nhà khoa học và các cơ quan có thẩm quyền; Về di sản phi vật thể gặp nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu cũng như phục dựng do nguồn tư liệu còn hạn chế…

Ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ 11- 12).

Đáng lưu ý, theo TS Nguyễn Văn Sơn (Hội Sử học Hà Nội), Điện Kính Thiên là kiến trúc quan trọng bậc nhất của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng, khởi dựng từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế Đại Việt. Các cuộc khảo sát, khai quật tại đây từ năm 2011 đến nay đã mở ra những hiểu biết mới về chính điện Kính Thiên và không gian điện Kính Thiên qua hệ thống di tích, di vật.

Tuy nhiên, cấu trúc mặt bằng và phân gian kiến trúc điện Kính Thiên vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng. "Chúng tôi căn cứ vào các nguồn sử liệu để nghiên cứu quá trình xây dựng, cấu trúc nền móng và phân gian kiến trúc của các chính điện triều Lý, Trần, Hồ, Lê (Lam Kinh) và Nguyễn từ đó đưa ra hướng nghiên cứu tìm hiểu về cấu trúc mặt bằng điện Kính Thiên. Kết quả nghiên cứu góp phần hướng tới việc nghiên cứu, phục dựng Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê trong khu di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội",TS Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Còn góc nhìn của TS Phạm Lê Huy (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội) cho thấy, ngoài nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung nghiên cứu về thời Lê, phục dựng điện Kính Thiên, cũng cần tiếp tục nghiên cứu các giai đoạn khác ở di tích này như nghiên cứu thời Lý - Trần, di tích hành cung Long Thiên thời Nguyễn, thời kỳ tiền Thăng Long (thời Tùy Đường), hay thời thuộc Minh…

“Sắp tới Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình 3D về di tích này để người dân có thể tiếp cận, hình dung về giá trị di sản, bởi tới nay vẫn có không ít người chỉ nhìn di sản vô giá này như "đống gạch vỡ" ở các hố khai quật”, TS Phạm Lê Huy nhìn nhận.

Tượng đầu rồng bằng đất nung thời Lý.

Làm gì để di sản trở thành nguồn lực phát triển?

May mắn, cũng tại Hội thảo trên, quan điểm di sản chỉ có ý nghĩa khi nó tỏa sáng trong lòng cuộc sống đương đại, còn nếu di sản chỉ phong kín lại, không ai biết nó là gì thì nó cũng sẽ không có ý nghĩa đã được thể hiện rất rõ.

Giới chuyên gia bày tỏ việc giữ gìn các di sản không thuần túy chỉ là giữ gìn các di sản vật chất mà còn phải mang giá trị tinh thần rất lớn, mang hơi thở của cuộc sống đương đại, hơi thở của cộng đồng. Là chuyên gia trong công tác quản lý di sản thế giới, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn Hoàng thành Thăng Long không chỉ làm bộc lộ những giá trị của di sản mà còn đưa những giá trị di sản đến với cuộc sống. Bởi di sản không chỉ là sử dụng để giáo dục truyền thống hay về lòng yêu nước mà nó còn là một nguồn lực rất lớn cho sự phát triển nếu chúng ta biết sử dụng đúng cách.

Tượng đầu chim phượng, trang trí đầu nóc mái, thời Lý (thế kỷ 11- 12).

TS Phan Thanh Hải đề xuất, trong thời đại công nghệ số hiện nay, từ việc nghiên cứu người ta có thể xây dựng các giả định, các mô hình 3D hay hướng dẫn trực tuyến, cung cấp thông tin khi ta chưa có đủ cơ hội để phục dựng các công trình. Về lâu dài phải từng bước nghiên cứu và phục hồi một số công trình kiến trúc quan trọng.

Với điện Kính Thiên, không chỉ phục hồi riêng điện Kính Thiên mà còn tạo một không gian để chúng ta có thể lồng ghép các giá trị phi vật thể như việc tổ chức các nghi lễ, tái hiện cuộc sống ngày xưa… Khi đó di sản sẽ trở nên lung linh sống động và hấp dẫn hơn rất nhiều, và đó cũng là một cách khai thác có hiệu quả đối với Hoàng thành Thăng Long. Bởi các giá trị phi vật thể là phần hồn của di sản. Nếu chỉ phục hồi các công trình kiến trúc thì mới chỉ phục hồi phần vỏ của di sản.

Liên quan tới câu chuyện phục dựng những giá trị di sản phi vật thể, TS Đỗ Ngọc Yến - Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho rằng: Văn hóa phi vật thể cung đình được xem là cơ sở làm sống lại và tỏa sáng di sản. Văn hóa phi vật thể cung đình vô cùng phong phú, bao gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... được kết tinh lại thành tinh hoa văn hóa của dân tộc.

Nhiều năm qua, Trung tâm đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác thuyết minh, trưng bày, diễn giải... Đặc biệt là từng bước thể nghiệm tái hiện các nghi lễ cung đình dưới hình thức sân khấu hóa để phục vụ du khách cũng như góp phần bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả giá trị văn hóa hơn một ngàn năm của Thăng Long đã lắng đọng trong không gian linh thiêng này.

Khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ.

TS Đỗ Ngọc Yến chia sẻ: Các tài liệu ghi chép cụ thể về các lễ tiết trong cung đình Thăng Long được tìm thấy sớm nhất vào thời Trần. Đến thời Lê được ghi thành điển lệ. Hệ thống lễ tiết cung đình bao gồm một chuỗi nghi lễ diễn ra nối tiếp nhau trong năm như: Lễ tiết Đoan Ngọ, Lễ tiết Nguyên đán, Lễ cúng Táo quân, Lễ Tiến lịch, Lễ Tiến xuân ngưu, Lễ Thướng tiêu (trồng cây nêu) và Khai hạ (hạ nêu).

Trong các trò chơi cung đình có tung cầu, vật cầu, đấu vật, cờ vây, cờ tướng, sư bồ, đấu hổ và voi. Các trò chơi liên quan đến hí kịch có Xuân Đài, Tàng câu... Các trò chơi, trò diễn đã làm cho đời sống hoàng cung trở nên sôi động và nhiều màu sắc hơn. Nó vượt ra khỏi sự uy nghiêm, khuôn mẫu của cung cấm. Vì lẽ đó, trò chơi, trò diễn cung đình đã trở thành một mảng văn hóa phi vật thể quý hiếm của Thăng Long - Hà Nội. :Hướng tới bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tiến hành trưng bày các kết quả nghiên cứu dưới hình thức diễn giải sinh động, gần gũi để du khách có thể tiếp cận một cách dễ dàng", TS Đỗ Ngọc Yến thông tin.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giữa bảo tồn di sản và khai thác phát triển du lịch dịch vụ luôn luôn có mối quan hệ để gắn kết và quan hệ này cần phải hài hòa. Nghĩa là làm sao để vừa giữ gìn di sản một cách bền vững, nhưng đồng thời khai thác một cách có hiệu quả. Đây chính là bài toán giữa du lịch và di sản. Di sản có giá trị rất lớn nhưng biến di sản trở thành nguồn lực cho sự phát triển đòi hỏi năng lực làm sao vừa giữ gìn được di sản và vừa làm cho di sản đó trở nên sống động lung linh và phát huy giá trị hơn. Đó chính là trách nhiệm không chỉ của người làm bảo tồn di sản mà có sự kết hợp liên ngành và quan trọng nhất là lãnh đạo, hệ thống chính quyền cùng chung tay.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội: Cần bảo tồn có chọn lọc

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc phải làm của tất cả các di sản đã được xếp hạng, nhất là đối với Hoàng thành Thăng Long, di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới thì việc bảo tồn và phát huy di sản đó không chỉ là yêu cầu tự thân của di sản mà còn là việc thực hiện cam kết của nước chủ sở hữu di sản với UNESCO.

Chính phủ Việt Nam và TP Hà Nội đã lên kế hoạch cụ thể và dài hạn cho công việc này. Những cố gắng của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO ghi nhận, nhất là chương trình khảo cổ được triển khai một cách khoa học, bài bản và có kết quả đáng kể. Tuy nhiên, việc bảo tồn và nhất là việc phát huy giá trị di sản to lớn và độc đáo của Hoàng thành Thăng Long vẫn còn tồn tại những vấn đề nan giải đặt ra cho những nhà nghiên cứu và quản lý di sản này. Về bảo tồn, việc tiếp tục khảo cổ là điều nên làm và phải làm.

Tuy nhiên việc giữ gìn và phát huy kết quả khảo cổ những năm qua đang đặt ra vấn đề cần giải quyết song song với mở rộng khảo cổ. Cùng với khảo cổ học, vấn đề phục dựng những công trình vật thể và phi vật thể của Hoàng thành Thăng Long cũng đang là vấn đề nan giải. Phục dựng Điện Kính Thiên đã được nghiên cứu và đề xuất nhiều năm nay vẫn còn những vướng mắc về nhiều mặt chưa thể triển khai. Phục dựng Lễ hội Đèn Quảng chiếu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hàng chục năm nay cũng chưa thể bắt tay thể nghiệm. Vậy vấn đề đặt ra là: Cái gì đang cản trở quyết tâm của chúng ta trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long? Việc trao đổi thẳng thắn và làm rõ các điểm nghẽn đó mới có thể đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.

Điều đặc biệt của sự hình thành, tồn tại của di sản trong Hoàng thành theo thời gian và những đổi thay mang tính lịch sử. Các công trình kiến trúc được xây dựng trong Hoàng thành đều có niên đại cách đây ít nhất hàng trăm năm đến hàng ngàn năm và đều có giá trị xứng đáng được xếp hạng di sản lịch sử văn hóa và đương nhiên cần được bảo vệ. Dù vậy, cần làm rõ giá trị của từng công trình trong tương quan so sánh niên đại và giá trị lịch sử, văn hóa để lựa chọn giải bài toán bảo tồn cái gì và chấp nhận nhượng bộ, hoặc thậm chí hi sinh một giá trị nào đó trong bảo tồn di sản. Đó là nút thắt làm chậm tiến độ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.

PGS.TS Đặng Văn Bài - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Xây dựng một bảo tàng Hoàng cung hay Cung đình

Bảo tồn Di sản thế giới theo tinh thần của Công ước UNESCO đặt ra hai mục tiêu lớn: Thứ nhất, thông qua các hoạt động khoa học với mô hình quản lý phù hợp đảm bảo tính toàn vẹn bao chứa, thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu của di sản theo các tiêu chí đã được UNESCO xác định. Thứ hai, diễn giải di sản làm cho các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, thông điệp văn hóa hàm chứa trong di sản đến gần hơn và trở nên dễ hiểu, phổ cập cho đông đảo công chúng trong toàn xã hội cũng có nghĩa là tạo ra chức năng mới để di sản gắn với đời sống xã hội và có ích cho mọi người, mà phổ biến nhất là thông qua hoạt động du lịch và dựa căn bản vào cơ sở, thế mạnh của công nghệ thông tin.

Để phát huy giá trị của di sản một cách hiệu quả, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất xây dựng tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội một “trung tâm thông tin” về di sản với hình thức một bảo tàng Hoàng cung hay Cung đình. Mục tiêu của bảo tàng không chỉ giới thiệu các cổ vật, di vật có giá trị mỹ thuật cao mà phải tái hiện được diện mạo kiến trúc của Cung đình Thăng Long qua các giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, phần trưng bày của bảo tàng nay phải phản ánh được các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với cung đình xưa mang tính bác học hay còn gọi là văn hóa Cung đình Thăng Long.

Đặc biệt, cần quan tâm thể hiện các hoạt động đã diễn ra trong không gian Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội trong suốt thời kỳ Chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Bộ Chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Một bảo tàng hiện đại như vậy cần tận dụng thế mạnh công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghệ GIS, công nghệ hiện thực ảo, công nghệ 3D, mapping... để phát huy tính chủ động và tích cực của khách tham quan, giúp họ hiểu sâu sắc hơn các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản.

PHƯƠNG MAI