Yêu cầu đơn giản hóa các phương thức tuyển sinh đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục đại học (ĐH).
Theo nội dung Công văn này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là, các cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh; Xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Riêng đối với các trường có ngành đào tạo giáo viên, Bộ yêu cầu chủ động làm việc với UBND các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT yêu cầu các trường hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị ĐH. Đặc biệt là việc thành lập và kiện toàn Hội đồng trường, trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu theo đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thành viên hội đồng trường, coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị ĐH.
Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục ĐH phục vụ công tác báo cáo, thống kê, dự báo và các hoạt động quản lý giáo dục ĐH. Tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt.
Trước đó, các thống kê cho thấy mùa tuyển sinh năm 2022 có tới 20 phương thức xét tuyển. Điều này khiến thí sinh rối và dễ dẫn đến tình trạng không công bằng cho các đối tượng thí sinh xét tuyển. Không những thế, ở mỗi phương thức, có trường còn sử dụng nhiều tổ hợp, xé nhỏ chỉ tiêu, dẫn đến điểm chuẩn cao và không bình đẳng đối với các thí sinh ở mỗi tổ hợp xét tuyển.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ở bậc ĐH diễn ra ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết sẽ thảo luận để hoàn thiện phương thức tuyển sinh năm 2023 và xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh ĐH năm 2025 khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023 ở bậc ĐH và CĐ giáo dục mầm non.
Một số trường đại học dừng tăng học phí năm học 2022-2023
Để chia sẻ khó khăn với sinh viên và phụ huynh sau hai năm khó khăn vì dịch Covid-19, một số trường ĐH đã công bố sẽ không tăng học phí trong năm nay. Cụ thể: Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM ra thông báo về việc không tăng học phí năm học mới, do đó mức học phí sẽ vẫn là 354.000 đồng/1 tín chỉ thay vì mức dự kiến 530.000 đồng/1 tín chỉ mà trường đưa ra hồi tháng 6. Trường ĐH Nha Trang cũng tạm thời giữ nguyên mức học phí như năm học trước, dao động mức 220.000 - 370.000 đồng/1 tín chỉ tùy theo môn học. ĐH Đà Lạt, ĐH kinh tế Quốc dân… cũng cho biết không tăng học phí trong năm nay.