Hợp lực hỗ trợ cao nhất cho trẻ em mắc ung thư
Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 2.500 trẻ em mắc ung thư. Thông tin này vừa được TS Bùi Ngọc Lan - Giám đốc Trung tâm ung thư (Bệnh viện Nhi trung ương) chia sẻ tại chương trình “Con thuyền mơ ước” diễn ra cuối tuần qua, nhằm hưởng ứng tháng nhận thức về ung thư trẻ em 2022.
Theo thống kê trên thế giới, mặc dù ung thư ở trẻ em hiếm gặp, nhưng đây lại là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 280.000 trẻ dưới 19 tuổi được chẩn đoán ung thư mới. Tại Việt Nam, mỗi năm có thêm khoảng 2.500 trẻ em mắc bệnh ung thư.
TS Bùi Ngọc Lan cho biết, Bệnh viện Nhi trung ương đang ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân nhỏ dưới 5 tuổi, bởi tại bệnh viện có cơ sở hồi sức cấp cứu dành cho các em nhỏ. Còn tại khoa Nhi của Bệnh viện K Tân Triều hay khoa Nhi (Viện Huyết học - Truyền máu trung ương) - nơi cũng điều trị ung thư nhưng cơ sở hồi sức cấp cứu ưu tiên cho những bệnh nhân lớn tuổi.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương trước đây một năm có khoảng 400 bệnh nhân mới, nhưng những năm gần đây có đến 500-600 bệnh nhân mới/năm. Hiện nay, khoa Ung thư luôn ở tình trạng quá tải nên khoa chỉ nhận khoảng 60 bệnh nhân điều trị nội trú và khoảng 60 bệnh nhân điều trị ngoại trú để bảo bảo công tác chăm sóc, hỗ trợ.
Theo các chuyên gia, các loại ung thư phát triển ở trẻ em thường khác với ở người lớn. Nó không liên quan chặt chẽ đến lối sống hoặc các yếu tố nguy cơ từ môi trường. Ung thư trẻ em chiếm chưa tới 1% tổng số bệnh ung thư được chẩn đoán mỗi năm. Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, hơn 50% trẻ ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, không được điều trị đầy đủ. Kết quả sống thêm và khỏi bệnh còn thấp. Vì vậy, cần phải tăng cường truyền thông kiến thức về bệnh ung thư trẻ em, cách phát hiện các dấu hiệu sớm thường gặp của bệnh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, mang lại kết quả cao.
Đối với trẻ em sàng lọc để phát hiện sớm ung thư không như người lớn. Ung thư ở trẻ em ít gặp và không có xét nghiệm sàng lọc rộng rãi. Đối với một số trẻ em có khả năng phát triển một loại ung thư cụ thể cao hơn do di truyền từ cha mẹ. Những trẻ này có thể cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, cẩn thận bao gồm các xét nghiệm đặc biệt để tìm các dấu hiệu sớm của bệnh ung thư.
Tại chương trình “Con thuyền mơ ước”, TS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, chúng ta hãy đoàn kết trong hành động liên kết ý tưởng, hợp lực để cùng nhau hỗ trợ tốt nhất cho trẻ em bị ung thư và gia đình của họ tiếp cận tốt hơn để chăm sóc và điều trị cho trẻ em bị ung thư, tiếp cận các điều trị hiện đại để giảm tác dụng có hại cho những trẻ ung thư khỏi bệnh. Cùng đó cung cấp đầy đủ các thuốc điều trị ung thư thiết yếu miễn phí hoặc giá rẻ, bao gồm cả những thuốc điều trị giảm đau; Hỗ trợ xã hội giúp đỡ trẻ em ung thư thông qua bảo hiểm y tế hoặc các quỹ từ thiện; Tăng cường chăm sóc giảm đau và hỗ trợ tinh thần...
Theo TS Bùi Ngọc Lan, những năm trước, tỷ lệ bỏ cuộc điều trị của nhiều gia đình khi có trẻ mắc ung thư khoảng 20% thì nay chỉ còn dưới 10%. Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ và thuốc trong điều trị, tỷ lệ trẻ em mắc ung thư khỏi bệnh đã tăng lên rất cao, mang lại cuộc sống bình thường cho nhiều bệnh nhi.
Hiện nay, Hội Ung thư trẻ em quốc tế (SIOP) lấy biểu tượng ruy băng vàng là biểu tượng của ung thư nhi, ngày 15/2 là Ngày ung thư trẻ em và tháng 9 là tháng nâng cao nhận thức về bệnh ung thư trẻ em trên toàn thế giới. Tại các nước trên thế giới, tháng 9 là thời điểm tổ chức các chiến dịch y tế quốc gia, xây dựng các chính sách hỗ trợ nghiên cứu, tổ chức quyên góp các quỹ cho trẻ em ung thư, tổ chức các sự kiện để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bệnh ung thư trẻ em.