Rủi ro dính 'bẫy' phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp chủ động phòng tránh

M.Phương 27/09/2022 06:36

Ký kết các Hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đối diện với rủi ro khi các nước nhập khẩu sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Để ứng phó với những động thái này, Bộ Công thương khuyến nghị DN cần hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Bộ Công thương, các DN cần chủ động nâng cao giá trị và sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao để phát triển bền vững cũng như giảm thiểu nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu.

“Ngoài ra, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cũng như luôn hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài và Bộ trong thời gian diễn ra vụ việc để đạt hiệu quả kháng kiện tốt nhất” – Bộ Công thương khuyến cáo.

Để tránh thiệt hại cho DN, Bộ Công thương đã tích cực, chủ động đẩy mạnh việc cảnh báo sớm. Định kỳ hàng quý, Bộ Công thương đều cập nhật và thông báo công khai danh sách cảnh báo để các cơ quan chức năng cũng như hiệp hội, DN và các bên liên quan khác có định hướng cụ thể, chuẩn bị trước cho khả năng bị nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ còn phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về phòng, chống lẩn tránh biện pháp, gian lận xuất xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Mặt khác, cung cấp thông tin, khuyến nghị cộng đồng DN không tiếp tay cho các DN có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Thời gian qua, rất nhiều sự vụ liên quan đến phòng vệ thương mại mà các DN xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt, cho thấy, những rủi ro khi các DN “dấn thân” sâu vào thị trường quốc tế không hề nhỏ.

Đơn cử như sự vụ, hồi tháng 8/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận sơ bộ của vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam. Và tại thông báo gần đây nhất, DOC gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc này đến ngày 17/10/2022.

Không chỉ gỗ, nhiều ngành xuất khẩu khác của Việt Nam cũng thường xuyên gặp phải những rào cản phòng vệ thương mại mà các nước nhập khẩu đặt ra. Trong đó phải kể đến ngành thủy sản, thép, da giày, dệt may. Tính tới thời điểm này, các DN Việt đã “dính” hơn 200 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Trước thực tế này, Bộ Công thương cho hay, tới đây Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai hiệu quả Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ và Đề án về nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Giới chuyên gia nêu quan điểm, so với trước đây, khi bị thị trường nước ngoài khởi kiện, không chỉ DN, hiệp hội ngành hàng mà kể cả các cơ quan quản lý đều phải tìm hiểu từng bước rất khó khăn.

Thế nhưng, hiện tại các DN, hiệp hội ngành hàng đã nhận thức được thiệt hại từ các vụ kiện phòng vệ thương mại, nhất là khi bị các thị trường dày dặn kinh nghiệm kiện phòng vệ thương mại nên đã chủ động tìm hiểu, thuê các đơn vị tư vấn hỗ trợ ngay từ khi vụ việc được khởi xướng điều tra. Các chuyên gia dự báo nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ phải đối diện với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại lớn hơn khi nền kinh tế thực hiện các cam kết trong các FTA.

Chính vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, các chuyên gia cho rằng DN cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường và cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.

Bên cạnh đó, DN nên cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thưng mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, nhất là xuất khẩu. Mặt khác, DN cũng cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.

Theo ông Phan Khánh An - Phó trưởng phòng pháp chế, Cục Phòng vệ thương mại cần đẩy mạnh công tác đào tạo luật sư về phòng vệ thương mại. “Các DN cần chủ động và tích cực phối hợp với nhau vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước, cũng như cần xây dựng hệ thống kế toán minh bạch và theo chuẩn kế toán Việt Nam” – ông An lưu ý.

M.Phương