Không vì giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mà hạ bớt chất lượng đội ngũ
Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được gần 1 tháng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang là vấn đề nóng ở nhiều địa phương.
Tích cực bổ sung giáo viên để triển khai chương trình mới
Về vấn đề này, TS Vũ Minh Đức cho biết, trong nhiều năm qua, tình trạng thiếu giáo viên đã được Bộ GDĐT hết sức quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để giải quyết.
Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên và đã được Bộ Chính trị đồng ý bổ sung thêm gần 66.000 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022- 2026. Trong đó, năm học 2022 - 2023 bổ sung 28.750 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Ngày 2/8/2022, Bộ GDĐT đã có Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao trước đây và số biên chế được bổ sung theo quyết định của Bộ Chính trị.
TS Vũ Minh Đức đánh giá, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện việc bổ sung đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số địa phương tăng cường phân cấp cho các cơ sở giáo dục trong việc tuyển dụng giáo viên, đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý, có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, nhất là các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn tuyển, đặc biệt là các môn học mới, môn học đặc thù như: Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới việc thiếu nguồn tuyển, TS Vũ Minh Đức cho biết, một bộ phận sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm chưa sẵn sàng đến công tác ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Một số người được đào tạo về Tin học, tiếng Anh có thể dễ dàng tìm kiếm được các công việc có thu nhập cao hơn so với việc trở thành giáo viên. Việc tuyển sinh và năng lực đào tạo của một số trường sư phạm đối với các môn đặc thù, đòi hỏi có năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc còn hạn chế.
TS Vũ Minh Đức cũng cho hay, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên là một động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, các chính sách địa phương như hỗ trợ về nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc… cũng là những điều kiện quan trọng giúp giáo viên yên tâm, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
"Mặc dù tại thời điểm này, việc thiếu giáo viên đang còn khá gay gắt nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn trong thời gian tới, việc này sẽ được giải quyết một cách cơ bản", TS Vũ Minh Đức khẳng định.
Trả lời câu hỏi có nên hạ bớt các tiêu chí, tiêu chuẩn trong đào tạo tuyển dụng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Đức cho hay, không nên đặt vấn đề hạ bớt tiêu chí, tiêu chuẩn trong đào tạo, tuyển dụng giáo viên vì theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương, giáo dục và đào tạo Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục, vì vậy không thể vì việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trước mắt mà hạ bớt chất lượng của đội ngũ giáo viên”, ông Đức nêu quan điểm.
Thực hiện chính sách tiền lương mới
Thiếu nguồn tuyển giáo viên chất lượng là một bài toán khó, nhưng không phải không có giải pháp. Để giải quyết bài toán, TS Vũ Đức Minh nhấn mạnh một số giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên phải đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan; làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên vừa bảo đảm việc thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước vừa bảo đảm phương châm: Ở đâu có học sinh, ở đó phải có giáo viên; Ở đâu có học sinh, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng giáo dục của tất cả trẻ em và học sinh.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo.
Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Thứ ba, thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập.
Thứ tư, tiếp tục rà soát về số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học, xác định cụ thể số lượng giáo viên còn thiếu, đặc biệt là các địa phương thiếu nhiều do chính sách trước năm 2015 để có giải pháp bổ sung biên chế phù hợp; tập trung ưu tiên bổ sung biên chế cho giáo dục vùng khó khăn, nơi dân số tăng, các khu công nghiệp…; rà soát, sắp xếp, chuyển những trường phổ thông có quy mô nhỏ thành trường có nhiều cấp học.
Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên, mở các ngành đào tạo phù hợp với các môn học theo Chương trình GDPT 2018; tăng cường đào tạo văn bằng thứ hai, đào tạo liên thông hoặc bồi dưỡng chuyển đổi môn học để bổ sung giáo viên cho những môn học còn thiếu, môn học đặc thù.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt Nghị định 116/2020/NĐ-CP nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên theo cơ cấu môn học và theo nhu cầu của địa phương.