Miền Trung: Cấm đường hoàn toàn từ 21h ngày 27/9, khẩn trương ứng phó bão số 4
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, các tỉnh miền Trung đã triển khai nhiều phương án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Hoàn thành di dời dân trước 15h ngày 27/9
Ngày 27/9, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, để chủ động ứng phó với bão số 4, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân, địa phương tiến hành phương án sơ tán, di dời 14.384 hộ dân với 47.411 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn.
Tổ chức sơ tán dân đảm bảo an toàn phòng chống bão số 4 hoàn thành trước 15h ngày 27/9. Ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước thời điểm bão vào; Các khu vực ven biển các huyện Phú Lộc, Phú Vang hoàn thành sớm hơn vào lúc 12h ngày 27/9.
Bên cạnh đó, địa phương yêu cầu người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h ngày 27/9đến khi có thông báo mới, trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt. Các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ 15h ngày 27/9.
Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, 12 hồ thủy điện đã đưa vào vận hành với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3 nước. Hiện mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện (dung tích đạt từ 20-30% tổng dung tích) đang vận hành đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo tăng cường phát điện qua tuabin để đưa về mực nước mức thấp và sẵn sàng đón lũ.
Về nông nghiệp, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện còn khoảng 300 ha hoa màu, 3.200 ha sắn chưa thu hoạch. Hơn 3.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản trên sông, hồ chứa, đầm phá chưa thu hoạch hết sản phẩm thương phẩm hoặc đang nuôi thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch. Sở NN và PTNT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thu hoạch thủy sản thương phẩm và gia cố lồng bè vào nơi an toàn để ứng phó với mưa bão, lũ lụt.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 trên địa bàn tỉnh này xuất hiện đợt mưa to, mưa rất to. Dự báo tác động của mưa với cường độ lớn, tập trung trong khoảng thời gian ngắn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ, lũ quét và sạt lở đất.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cảnh báo các vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển tại các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Trà để các địa phương, đơn vị chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó bão số 4.
Chủ động ứng phó bão số 4
Để chủ động ứng phó với bão Noru, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện khẩn về công tác triển khai ứng phó với bão số 4 trong đó yêu cầu các địa phương sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ liên tiếp, kéo dài theo phương châm "4 tại chỗ”.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN và PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.
Toàn tỉnh Quảng Bình có tổng số 6.689 phương tiện với 22.263 lao động đánh bắt thủy sản trên biển. Hiện nay, tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đều đã nắm được thông tin của bão, hiện đang trên đường vào bờ hoặc di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy để kịp thời tham mưu chỉ đạo.
Đến thời điểm này, ảnh hưởng của bão Noru đã làm 1 ngư dân Quảng Bình mất tích khi đưa tàu cá của mình về nơi trú ẩn.
Hiện tại trên biển đang có gió to, sóng lớn nên tất cả lực lượng cùng người nhà buộc phải tạm ngừng công tác tìm kiếm thuyền viên mất tích để đảm bảo an toàn.
Các lực lượng, đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức tuần tra dọc bờ biển tìm kiếm nạn nhân.
Trong khi đó, để ứng phó với bão Noru sắp đổ bộ vào đất liền, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở cấp cơ sở, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo nhân dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến bão, mưa lũ kéo dài.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão số 4, từ đêm 27 đến ngày 29/9 khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Mưa với cường độ lớn, trong thời gian ngắn nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở vùng núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các công trình đang thi công, công trình điện gió, ngập úng vùng thấp trũng, ngập úng đô thị.
Sóng lớn và nước biển dâng ảnh hưởng đến các khu vực dân cư ven biển, nuôi trồng thủy sản và các khu neo đậu tàu thuyền ven biển.