Tiếp tục đổi mới việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

Việt Thắng 27/09/2022 11:30

Công tác phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam với Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới, tham gia từ sớm, từ xa.

Ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Phát biểu tại đầu cầu Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đã đề cập đến vấn đề trách nhiệm phối hợp của MTTQ Việt Nam trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá kết quả phối hợp triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, ngay từ tháng 5/2021, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có văn bản đề xuất nội dung giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, trong đó đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2011-2021; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô năm 2012. Tiếp thu đề xuất của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Quốc hội đã đưa nội dung giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” vào giám sát chuyên đề năm 2022.

Trong năm 2022, MTTQ Việt Nam đã phối hợp thực hiện 4 hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, mỗi chuyên đề giám sát, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đều cử lãnh đạo, Phó Chủ tịch hoặc cán bộ cấp vụ tham gia là thành viên Đoàn giám sát, tổ giúp việc; góp ý bằng văn bản vào kế hoạch giám sát từng chuyên đề; xây dựng báo cáo chuyên đề phục vụ cho hoạt động giám sát tương ứng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại diện Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam là thành viên đoàn giám sát đã tích cực tham gia các cuộc giám sát tại địa phương, tham gia các cuộc họp cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chuyên đề và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam liên quan đến các nội dung giám sát.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết, trong tháng 5/2022, thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, qua nắm bắt tình hình nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức, cá nhân thành viên của Mặt trận, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh khái quát rằng, báo cáo đã tổng hợp 6 nhóm vấn đề về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân; đồng thời kiến nghị 6 nội dung lớn liên quan đến các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về kinh tế xã hội hay những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống dân sinh được các đại biểu Quốc hội và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Đây là cơ sở giúp Quốc hội xem xét trước khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm sát thực tiễn, hợp lòng dân; đồng thời giúp các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng chương trình công tác phù hợp, nhất là việc lựa chọn chuyên đề giám sát, nội dung chất vấn, giải trình. Hai cơ quan tiếp tục quan tâm phối hợp theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp thu, giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; phối hợp giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, định kỳ 3 tháng một lần hoặc đột xuất, thông qua các kênh thông tin của Mặt trận, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ động xây dựng báo cáo phản ánh tình hình các tầng lớp nhân dân gửi các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước, trong đó có Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đổi mới xem xét báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng.

“Công tác phối hợp giám sát của MTTQ Việt Nam với Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới, tham gia từ sớm, từ xa; kết hợp giữa giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và giám sát của nhân dân với hoạt động giám sát của Quốc hội, tạo hiệu quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các cấp trong thực hiện ngay trong quá trình tổ chức giám sát và sau giám sát”-Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ.

Về các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và triển khai chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, MTTQ Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ tham gia các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những tháng cuối năm 2022; tham gia ý kiến vào các báo cáo giám sát và Nghị quyết sau giám sát 4 chuyên đề giám sát năm 2022.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương pháp, cách thức tham gia giám sát với Quốc hội năm 2023; tham gia góp ý và dự thảo các kế hoạch giám sát; cử đại diện tham gia các hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến trong việc hoàn thiện các báo cáo giám sát trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là đối với 4 hoạt động giám sát chuyên đề năm 2023.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng cho biết sẽ tiếp tục đổi mới, tăng cường sự phối hợp thường xuyên trong việc xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi các kỳ họp thứ 4, thứ 5, thứ 6 Quốc hội khóa XV; giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri và nhân dân; phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; phối hợp tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; hoàn thiện các quy định và thực hiện các biện pháp đổi mới việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Ngay sau đó, điều hành phiên thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao những kiến nghị cụ thể, sâu sắc, chất lượng của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh thay mặt trình bày.

Việt Thắng