Mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình
Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách.
Ngày 27/9, phát biểu kết luận Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, đặc biệt là yêu cầu tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII về “đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, pháp quyền, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội”; xác định việc nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát là một nội dung quan trọng, khâu then chốt trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam theo quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng hoạt động giám sát của Quốc hội; về mối quan hệ biện chứng giữa chức năng giám sát và chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động giám sát với công tác xây dựng, thi hành pháp luật, nhất là các lĩnh vực có nhiều vướng mắc, bất cập; gắn kết chặt chẽ, bảo đảm kết nối và kế thừa hiệu quả giữa kết quả hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội tiến hành với kết quả các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, tiếp tục nghiên cứu xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao chất lượng xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai hoạt động giám sát. Trong đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng chủ động, thống nhất, tránh trùng lặp và phù hợp với từng chuyên đề giám sát, từng hoàn cảnh cụ thể.
“Tăng cường tính tranh luận, đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm trong thảo luận, xem xét các báo cáo. Tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề; tăng cường sử dụng thông tin từ các kết quả của các cuộc giám sát có liên quan, các thông tin từ cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chuyên gia, nhà nghiên cứu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát chuyên đề”-Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và đề nghị tăng cường giám sát của Quốc hội trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo hướng triển khai các hoạt động giám sát chất vấn, giám sát chuyên đề, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và được tiến hành toàn diện, công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Người đứng đầu Quốc hội cũng lưu ý phát huy cơ chế tham gia của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các ban chỉ đạo cấp tỉnh, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Quốc hội với các tổ chức Đảng, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong hoạt động giám sát để phát huy vai trò giám sát của mỗi cơ quan, cùng tạo sức cộng hưởng thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát quyền lực. Tăng cường mối quan hệ phối hợp, cung cấp thông tin giữa Quốc hội với Ủy ban Kiểm tra các cấp của Đảng, MTTQ Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Tăng cường sự liên thông và phân định rõ nội dung giám sát giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với giám sát của HĐND, giám sát xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, giám sát trực tiếp của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện và thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động Quốc hội” như chỉ đạo và kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV.