Giao mùa, bệnh nhân nhập viện tăng cao

Huy Hoàng 28/09/2022 06:46

Hiện nay, nước ta đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh, như Covid-19; sốt xuất huyết (SXH); tay chân miệng (TCM) và các bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện trong thời điểm giao mùa như tiêu chảy, sốt virus, cúm mùa, thủy đậu, các bệnh về hô hấp. Cùng lúc, Bộ Y tế đã phát ra cảnh báo tới toàn thể người dân về tình trạng số ca mắc Adenovirus tăng mạnh và đang có xu hướng lây lan nhanh trong cộng đồng thời gian tới.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương tăng đột biến. Ảnh: TL.

Diễn biến phức tạp

Tình hình dịch bệnh trên cả nước cho đến thời điểm hiện tại tăng so với cùng kỳ hàng năm, bệnh SXH tăng hơn 4 lần do vào mùa mưa và bệnh TCM tăng hơn 8 lần, đặc biệt là khi bước vào năm học mới, số lượng học sinh tiểu học, mẫu giáo tập trung nhiều nên khả năng lây lan bệnh cao, tạo điều kiện cho bệnh gia tăng nhanh.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến ngày 24/9, Việt Nam ghi nhận 211.388 trường hợp mắc SXH, trong đó có 87 trường hợp tử vong. Số liệu cho thấy trong giai đoạn 2020 - 2021, tình hình dịch SXH giảm hơn so với những năm trước đó, tuy nhiên, năm 2022 ghi nhận số ca mắc mới tăng cao so với 2 năm trước, trong đó số ca SXH nhập viện và số ca nặng cũng tăng cao. Theo ghi nhận, đa số ca mắc SXH trở nặng xảy ra ở những địa phương chịu ảnh hưởng tới từ thời tiết và môi trường sống khắc nghiệt thì tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng và khó điều trị dứt điểm, chủ yếu là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.

Do có nhiều dấu hiệu lâm sàng khá tương đồng, lại diễn ra đồng thời, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên bệnh TCM và SXH có thể khiến phụ huynh nhầm lẫn, bối rối khi nhận biết. Cũng như SXH, bệnh TCM lưu hành quanh năm ở hầu hết các tỉnh, thành với hai đỉnh dịch, từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, số ca mắc TCM trong tuần 38 (từ ngày 12 - 18/9) tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước đó và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, những bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa khác do vi khuẩn đường ruột hay gây ra hiện tượng suy hô hấp cũng đang có xu hướng tăng mạnh, đơn cử như bệnh tiêu chảy. Điều này dễ dàng nhận ra khi các bệnh viện nhi của các thành phố lớn, Bệnh viện Nhi trung ương lần lượt đưa ra cảnh báo về số ca nhiễm tiêu chảy cấp đang tăng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình trong 5 năm vừa qua.

Số lượng trẻ nhập viện tăng mạnh

Những bệnh truyền nhiễm thời kì giao mùa thường xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên trẻ em thường là đối tượng dễ gặp phải nhất khi các bé có hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và thường không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng, tay chạm vào các đồ vật mà không rửa tay sạch… nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn. “Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thường là vi khuẩn, virus… Đây được coi là mầm bệnh. Có nhiều con đường lây bệnh, một số bệnh lây truyền qua đường không khí, lây nhiễm khi tiếp xúc, ho, hắt hơi. Một số khác phát triển trong môi trường ô nhiễm, vệ sinh kém và xâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ qua đường tiêu hóa” - ông Dũng nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn kết tại Bệnh viện Nhi trung ương, dịp cuối tuần vừa qua, Khoa Khám bệnh luôn chật kín bệnh nhi tới khám. Tại khu vực khám nhi, phóng viên ghi nhận nhiều trẻ đến khám do sốt, viêm phế quản, viêm phổi, cúm A… Tại sảnh chờ, chị Đoàn Thu Hà (ở Hà Nội) cho biết: “Cháu sốt đến nay là ngày thứ 2, gia đình cho uống hạ sốt theo đơn thuốc của bác sĩ tư nhân nhưng sáng nay con có dấu hiệu co giật do sốt cao, thở khó khăn nên vội vã đưa tới đây. Bác sĩ chẩn đoán nhiễm Adenovirus và đang chờ xét nghiệm”.

Đại diện các bệnh viện cho biết thêm, do tháng 9 là thời điểm nhập học và thời tiết giao mùa nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp chiếm 60%-70% số bệnh nhi đến khám. Do đó, dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ tại một số thời điểm trong ngày, trong tuần. Bệnh viện Nhi trung ương đã đã bố trí thêm 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm bệnh nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng.

Chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cho biết, trẻ em ở giai đoạn đi học, hệ miễn dịch kém và lúc này mới bắt đầu hoàn thiện, trong khi cơ thể của bé hàng ngày tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh từ môi trường. Do đó, ở tuổi này bé hay mắc các bệnh như: Cúm, nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh tai mũi họng… Sốt virus, viêm phổi, viêm họng do virus... là nhóm bệnh mà trẻ dễ mắc phải và lây nhiễm nhanh. Trong khi đó, dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, để giúp trẻ luôn khỏe mạnh vào thời điểm chuyển mùa thì việc tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ là điều bố mẹ cần hết sức lưu ý. Việc đầu tiên là nên tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ. Ngoài các mũi tiêm trong chương trình mở rộng có thể tiêm thêm các mũi vaccine cúm, vaccine Hib (phòng viêm phổi, viêm màng não mủ, viêm phế quản, viêm họng), vaccine Rota phòng tiêu chảy… Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên áp dụng các biện pháp để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ khi thời tiết giao mùa như: Cho trẻ uống thuốc bổ, vitamin cần thiết, thường xuyên cho bé ăn những thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch như nước ép cam, bưởi… để con có đủ sức mạnh chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus…

Huy Hoàng