Nhân đức
Ca dao Việt Nam có một lời khuyên nhủ mà nhiều người thuộc lòng từ khi mới hiểu biết cho đến suốt đời. Đó là câu: “Tìm nơi có đức mà gửi thân, tìm nơi có nhân mà gửi của”. Đây chính là chiếc chìa khóa vàng của mỗi con người để tìm được thầy, tìm được bạn, tìm được người tri kỷ mà nương tựa suốt đời.
Bài này đề cập đến một phẩm chất, một đức tính cao quý nhất của mỗi con người lương thiện, biết thương xót và giúp đỡ đồng loại, đó là: Nhân đức, nhân đạo, nhân từ, nhân hậu, nhân ái.
Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Nhân ái là yêu thương con người. Thí dụ: Giàu lòng nhân ái. Nhân đạo là đạo đức thể hiện ở sự thương yêu, quý trọng và bảo vệ con người. Thí dụ: Hành vi trái với nhân đạo. Chính sách nhân đạo đối với tù binh. Việc làm rất nhân đạo. Nhân đức là có lòng thương người. Thí dụ: Con người nhân đức. Nhân hậu là có lòng thương người và ăn ở có tình có nghĩa. Thí dụ: Con người nhân hậu. Tấm lòng nhân hậu. Nhân từ là có lòng thương người và hiền lành. Thí dụ: Người mẹ nhân từ. Lòng nhân từ”.
Đại thi hào người Đức Thomas Fuller (1608 - 1661) đã nhấn mạnh: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó”.
Đại thi hào người Anh Francis Bacon (1561 - 1626) đã khẳng định: “Nhân đức, không thể chối cãi được, là một đức tính đứng đầu trong mọi đức tính của con người”.
Như thế, nhờ có “Từ điển tiếng Việt”, nhờ có Thomas Fuller, nhờ có Francis Bacon ta có thể tóm tắt như sau: Nhân đức là đức tính cao quý nhất của con người, có nguồn gốc từ gia đình. Mọi tranh cãi, mọi bàn luận về nhân đức phải bám sát vào các tư duy triết học mang tính chỉ đạo này.
Tấm lòng nhân đức, nhân ái, nhân hậu, nhân từ mà con người có thể có được là đều bắt nguồn từ gia đình bé nhỏ mà đứa trẻ được sinh ra.
Theo “Đông phương cổ học tinh hoa” thì: “Con người được sinh ra vốn có tính lương thiện” (Nhân chi sơ tính bản thiện). Một trăm, một nghìn đứa trẻ khi cất tiếng khóc chào đời là một trăm, một nghìn cơ hội được sống lương thiện, hạnh phúc. Đó là những tờ giấy trắng tinh chưa có một tì vết nào. Đó là những nụ hoa khỏe khoắn chúm chím trên cành báo hiệu cho một vườn hoa tươi đẹp, ngát hương.
Nhưng trên thực tế cuộc sống, rất tiếc lại không có một kết quả khả quan, lạc quan như sự mong muốn của con người. Những em bé sinh ra từ những gia đình giàu, nghèo khác nhau, trình độ văn hóa, nghề nghiệp sinh sống của bố mẹ các em cũng khác nhau.
Vì thế cho nên nếu may mắn, các em được nuôi dạy tốt, được đi học trường tốt từ mẫu giáo lên đến các cấp phổ thông, chắc chắn các em sẽ trở thành những học sinh có đạo đức, biết yêu thương bạn bè trong lớp, biết giúp đỡ những người nghèo khổ và cứ như thế sẽ hình thành dần dần lòng thương người, biết chia sẻ miếng ăn cho người khác, biết nhường nhịn cho bạn đồ chơi và những thứ mình thích. Tính ích kỷ mất dần. Sự ghen tức mất dần. Tính tham lam mất dần. Mỗi ngày một ít, các tính tốt được vun đắp hàng ngày.
Lời ông bà ta đã dạy: “Dạy con từ thuở còn thơ” chính là lời nghiêm khắc nhắc nhở những người làm cha làm mẹ phải biết cách nuôi dạy con từ lúc một, hai tuổi trở đi. Có tác giả đã nêu rõ: “Con đường chắc chắn nhất dẫn đến việc làm con bạn hư hỏng chính là sự nuông chiều chúng vô nguyên tắc”. Con muốn gì được nấy. Vợ chồng cãi nhau vì nuông chiều, bênh vực cho các thói xấu của con. Rõ ràng đấy là một gia đình bất hạnh.
Đọc lại tiểu sử của những người thành đạt, có nhiều cống hiến cho xã hội, đại đa số họ đều được nuôi dạy trong những gia đình lương thiện, có giáo dục, có nền nếp, luôn đề cao văn hóa trên kính dưới nhường, kính già yêu trẻ. Trái lại, những gia đình nào dạy con theo xu hướng chạy theo đồng tiền, đề cao những giá trị ảo, thiếu đạo đức, thiếu tình thương xót con người đều dẫn đến những kết quả xấu ở các mức độ khác nhau.
Những đứa trẻ con nhà giàu, con nhà có thế lực trong xã hội, coi tất cả đều là hàng hóa, đều là cơ chế thị trường thì sẽ lãnh hậu quả rất gần là: Những đứa con sẽ coi bố mẹ cũng theo giá trị hàng hóa, cũng theo cơ chế thị trường. Nếu không còn giá trị lợi dụng chúng sẵn sàng trở mặt, bỏ rơi, ruồng bỏ cha mẹ ngay lập tức. Nhiều gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn đang tăng dần đã nhắc nhở tất cả mọi người phải luôn lương thiện, tìm về đạo đức mà tu thân, mà dạy con dạy cháu mới mong sống hòa thuận, yên ổn được.
Trở lại với câu ca dao: “Tìm nơi có đức mà gửi thân, tìm nơi có nhân mà gửi của” ta lại càng thấm thía với nguồn gốc gia đình, nguồn gốc từ nhỏ của những con người có nhân, có nghĩa. Đó là khi chọn vợ chọn chồng cho con. Cha mẹ nào có kinh nghiệm sống tốt, theo suy nghĩ tích cực lương thiện đều xem xét gia đình xuất thân của người con rể, con dâu tương lai. Nếu thấy đó là một gia đình lao động bình thường, là giáo viên, công nhân, cán bộ, viên chức nhà nước hoặc tư nhân nhưng họ có nghề nghiệp ổn định, gia đình hòa thuận thì ai cũng thấy yên tâm hơn.
Còn trong công việc hàng ngày, công việc làm ăn buôn bán kinh doanh hay sản xuất ta đều phải có bạn cùng làm việc, bạn hàng, bạn kinh doanh. Nếu thấy có người gia đình hòa thuận, cuộc sống yên ổn, bình thường thì ta dễ kết bạn hơn là những người có nhiều điều tiếng xấu hoặc có tiểu sử không rõ ràng, không minh bạch.
Chỉ một khẩu hiệu ngắn gọn là “Tìm nơi có đức, có nhân mà giao du, kết thân, nương tựa” thì thật quá chính xác, quá ngắn gọn và quá tin cậy. Cũng nhờ có Thomas Fuller đã giúp cho ta rõ thêm là nhân đức phải được sinh ra và lớn lên ngay từ trong gia đình để tạo thành đạo đức, thành thói quen để theo ta đi suốt cuộc đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Có như thế ta mới thực hiện được việc “yêu” và “được yêu” để giúp ta bình tâm vững bước, phấn đấu vượt qua mọi gian khổ trên bước đường đời.
Cần nói thêm về sức mạnh cao quý của lòng nhân đức, nhân từ, nhân ái. Triết gia Bulwer Lytton (1803 - 1873) đã khẳng định: “Một trái tim nhân từ còn quý hơn vạn cái đầu trong thế gian”. Ý kiến cao quý này của Lytton cũng phù hợp với tư tưởng của nhà triết học vĩ đại Đông phương là Khổng Tử từ 2.500 năm về trước khi ông viết: “Có nhân đức là có sức mạnh” (Nhân giả tất hữu dũng).
Trong các sách dạy luân lý người ta thường lấy thí dụ sau đây để minh họa cho một trái tim nhân hậu tốt hơn trăm cái đầu tính toán ti tiện, ích kỷ, nhỏ nhen.
Câu chuyện là: Có một quãng đường bị gạch đá rải lổn nhổn trên mặt do một xe chở vật liệu làm rơi vãi xuống. Bao nhiêu xe máy, xe đạp đi qua, ai cũng tránh đi chỗ khác, mặc kệ đống gạch đá ở đó. Trẻ em đi qua vấp ngã. Các cụ già mắt kém nhìn không rõ cũng vấp ngã. Có một bà cụ có lòng thương người đã đứng lại, từ từ nhặt từng viên gạch, viên đá xếp gọn vào bên đường. Bà cụ làm xong mệt quá, ngồi thở dốc nhưng nét mặt cụ hân hoan khi thấy trẻ em và người già đi qua đoạn đường này không còn bị vấp ngã như trước nữa. Như vậy, chính lòng thương người, lòng nhân ái đã giúp bà cụ có sức mạnh để làm một việc công ích mà người ích kỷ nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua.
Cũng để minh họa cho cách suy nghĩ “Có nhân đức là có sức mạnh”, các sách giáo khoa cũng thường nêu lên chính sách khoan hồng nhân đạo của nhân dân ta đối với các tù binh, hàng binh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Các tù, hàng binh này thoát chết trở về đã kêu gọi các binh lính khác phản chiến, ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam ta. Khi trở về nước, họ tham gia biểu tình, mít tinh phản đối chính phủ xâm lược, đòi rút quân về nước, góp phần không nhỏ trong công cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân ta.
Nhà triết học Lacordaire (1802 - 1881) đã khẳng định: “Không phải nhờ tài năng, không phải do danh dự mà chính nhờ vào lòng nhân đức mới đo được sự cao quý của tâm hồn con người”. Đây là cách đánh giá sâu nhất, rộng nhất, phong phú nhất về tính người, tính bản thiện vốn có mà con người ai ai cũng đều có được từ lúc lọt lòng mẹ. Đã có nhiều tác giả phân tích nhiều mặt tốt, nhiều mặt vượt trội của lòng nhân đức.
Có người nói: “Phải vứt bỏ sự ích kỷ, tham lam, vụ lợi, tính toán ti tiện đi thì mới tiếp cận được với lòng nhân đức”. Có sách lại viết: “Phải tập dần làm các việc tốt dù nhỏ hàng ngày mới mong tiếp cận được với lòng nhân đức. Ta làm thiện nguyện, ta làm các việc công ích cho xã hội hàng ngày chính là tập dần để đạt được lòng nhân đức”.
Trong tác phẩm kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa” có mô tả cách dạy con của một vị vua hiền trước khi mất, đó là: “Con ơi, sau này trên bước đường đời, nếu gặp một điều ác dù nhỏ nhất con cũng phải tránh xa không được làm; nếu gặp một điều tốt dù nhỏ nhất con cũng phải cố gắng mà làm”. Chao ôi, những lời dạy bảo cụ thể và rõ ràng như thế, trải qua biết bao năm tháng vẫn trường tồn cùng với bản chất lương thiện của con người.
Cuối cùng, ý kiến sau đây của tác giả Charles Alexandre Dupuy (1851 - 1923) đáng để cho chúng ta suy nghĩ và học hỏi suốt đời, đó là: “Nhân đức là một phương thức chắc chắn nhất để mọi thứ trở nên công bằng”!