Thời nhà tranh vách đất
Ngôi nhà là nơi ở của một gia đình, một tế bào nhỏ của xã hội. Miền núi có nhà sàn, miền xuôi có nhà đất. Ngôi nhà tranh mái rạ đó một thời thường gọi là “nhà gianh vách đất”.
Bây giờ thị thành có biệt thự, chung cư, nông thôn một thời mơ ước nhà ngói cây mít (cao sang hơn nhà gianh mái rạ) cũng qua rồi. Nông thôn hôm nay “nhà xây mái ngói” đã dần thay thế. Dù còn thua xa thành thị nhưng sang trọng ấm áp sạch sẽ hơn cả chục lần nhà gianh vách đất khi xưa.
Tôi lớn lên ở trung du, vùng bán sơn địa, thấy bố làm nhà dựng vách lấy cây nứa tép cắm dứng và buộc ngang làm đố, rồi cho đất bùn trộn rơm vắt chéo, tạo thành bức thành đất che chắn cho mỗi gia đình thoát cảnh mái lều hoang sơ sài. Bức vách trát bùn rơm thôi nhưng nó tạo thành một giang sơn cách biệt với không gian bên ngoài. Khi bốn bên nhà trát xong vách, cái tổ ấm gia đình trở nên ấm áp lạ thường.
Mươi năm sau, mưa sa gió táp làm cho phần chân vách ẩm thấp, đất rã ra, trơ khung nứa như hàm răng sún, chỗ mục chỗ còn, thì phải thay vách để chống gió lùa mùa đông và ngăn rắn rết chuột bọ chui vào bất cứ lúc nào. Thay vách còn chống nguy cơ vách nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào!
Thay vách, đất được đập ra, khung nứa tép bỏ làm củi đun, bộ xương cho bức vách mới được thưng dựng lại ngay trong ngày. Đất vách đem ra vườn đánh luống gieo lú bú hoặc trồng hành thì giá trị còn hơn bất cứ thứ phân hữu cơ nào. Rau tốt bời bời, ngon nõn. Bố bảo rau tốt thế là do trong đất vách có hơi người. Những khí độc thải ra từ hơi thở đều ngấm vào đất vách lại là giá trị tốt với cây trồng, lại có lúc còn được dùng làm thuốc.
Thuở bé, con gà bất ngờ trúng gió lăn quay giãy đành đạch tưởng chết, vậy mà chỉ cần cậy nắm đất vách bóp vụn rắc lên người nó. Con gà thoi thóp rồi dần dần bừng tỉnh. Chỉ vài phút là qua cơn nguy biến. Nó lại vùng dậy chạy kiếm ăn. Còn nữa, có lần thấy người chửa ốm nghén, cậy đất vách ăn ngon lành. Chả biết có phải để để bổ sung can-xi như người ta nói. Căn nhà dỡ ra chả bỏ thứ gì kể cả mái nhà lợp rạ dày hàng nửa mét. Mưa nắng, rạ ngấm nước bị mủn dần qua vài năm cũng phải thay thế. Phần mủn nát trộn đất làm phân.
Nhà tranh vách đất thường chỉ một gian hai chái rộng vài chục mét vuông mà vẫn trống hoang, vì người nông dân xưa chẳng có của nả gì. Trong nhà chỉ mấy tấm áo sờn vai vắt dây, nào cần hòm xiểng gì! Có chăng thêm cót thóc ở góc nhà để tạo nên sự đầy đủ. Hai chái nhà, bên chất củi, bên để cày bừa mai cuốc. Trước hiên nhà bên cối xay, bên cối giã gạo, ăn tuyềnh uống toàng thế thôi.
Dụng cụ sản xuất có cái dùng đến ba đời. Cày gãy mới bỏ, răng bừa bằng tre vài năm gãy và mục thì làm lại. Chỉ khi ra đời bừa sắt thì mới có của truyền đời. Chiếc cuốc dùng mòn như cái bánh quế thì để cho con tập làm vườn. Nói tóm lại làng xưa chỉ có “đồng nát đổi bán hàn nồi hơ”, đổi nồi, vá nồi chứ chả có gì để nhặt nhạnh cho đồng nát như thời nay. Thời nay đồng nát kế thừa cái tên, còn nội dung mua bán khác hẳn, phong phú hơn nhiều.
Dưới mái nhà gianh vách đất, nhiều nhà có chõng tre nho nhỏ để ngoài thềm, tối đủn ra sân bên giỏ bồ ấm tích nước vối, nằm ngắm trăng sao và hóng mát. Cũng không thể thiếu cái quạt nan, quạt mo hay quạt lá cọ để đập muỗi. Muỗi thời ấy nhiều như trấu.
Trong nhà thế nào cũng có cái võng đay vắt chéo ở gian cạnh. Võng ấy dành cả cho trẻ con người lớn nằm chơi hoặc cho giấc ngủ đến nhanh. Nông thôn xưa 8 giờ tối đã xoa chân tắt đèn lên giường để mai hừng đông đã ra đồng hoặc đi chợ. Gian giữa nhà kê phản ngay dưới bàn thờ, là nơi tiếp khách. Chỉ nhà khá giả miền xuôi mới có tràng kỉ gian bên, sập gụ gian giữa.
Giường ngủ gian cạnh cũng sơ sài tấm phản mộc kê mễ, trên mặt phản phủ cái chiếu mộc, gối gỗ... Sơ sài đến kinh người. Đến khăn mặt có khi cả nhà chung một cái!
Ngoài vườn dưới gốc chuối, nhà nào cũng có cái nồi hông, đựng ngước giải. Cái toa-lét ngoài trời cho cả nhà ấy không để nước tiểu phí giọt nào ra ngoài. Nước tiểu để hoai đi, pha thêm nước lã vào tưới rau, rau lên tốt bời bời.
Một không gian khép kín tự cấp tự túc. Cái thời chỉ làng nước với nhau. Họ sống nghèo nàn đến mức không còn gì nghèo hơn, Vậy mà đôi khi vẫn í ới qua bờ rào gọi hàng xóm cho bát canh hoặc dúi vào tay nhau vài cái kẹo khi khách xa đến có quà. Cuộc sống "đóng băng" trong hiểu biết hạn hẹp nhưng thân thiện lắm.
Dưới ngôi nhà tranh vách đất, một cuộc sống hiền như đất thân thiện một thời.