Bất cập từ hệ thống xét tuyển đại học, ai là người gánh chịu?
Nhiều trường đại học đang rơi vào tình trạng "vỡ trận", trong đó có trường không tuyển được thí sinh nào. Cách thức tuyển sinh đại học năm nay đang bộc lộ nhiều bất cập.
Thí sinh bị tâm lý sau khi hệ thống chốt nhập học
Nhận được thông báo trúng tuyển của một trường đại học, em Nguyễn Ngọc Linh, thí sinh Hà Nội cùng gia đình rất hốt hoảng. Trúng tuyển đại học đáng nhẽ phải vui sướng nhưng vì sao Linh và gia đình lại hốt hoảng?
Thí sinh này cho hay, khi đăng ký nguyện vọng để vào đại học, hệ thống chốt nhập học ở nguyện vọng vị trí số 5, trong khi đó với số điểm 25,45 khối D01 - em đã trúng tuyển ngay nguyện vọng số 2, số 3 mà hệ thống lại “bỏ qua”.
Với nguyện vọng ở vị trí đó, Linh đã được tuyển sinh vào một trường đại học dân lập tốp giữa. Tất cả các nguyện vọng khác của cháu đã không còn được xem xét nữa.
Sau 5 ngày bị chốt nguyện vọng bất thình lình, Linh và gia đình đều rất buồn, bản thân em bị “tâm lý” với lựa chọn bất ngờ này.
Trong khi trước đó, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) đã từng khẳng định rằng: "Hệ thống lọc ảo hỗ trợ chắc chắn giúp thí sinh đỗ vào nguyện vọng ưu tiên nhất có thể, mà không phải lo lắng lựa chọn giữa các phương thức xét tuyển khác nhau”.
Được biết, với hệ thống xét tuyển nguyện vọng trực tuyến, các trường có thể biết hết thông tin thí sinh. Đáng lẽ dữ liệu phải ẩn danh toàn bộ. Vậy thì đã không còn sự công bằng tuyệt đối?
Riêng việc năm nay cho các em không giới hạn nguyện vọng cũng còn là điều gây tranh cãi. Thực tế, ở 3-4 nguyện vọng đầu các bạn sẽ cân nhắc, nhưng từ nguyện vọng 5-10 trở đi sẽ có tình trạng “chọn đại”. Và rõ ràng, với trường hợp của em Linh ở trên, lựa chọn tương lai đã bị “may rủi”.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp đỗ nguyện vọng 6-7 trở lên thì đỗ các em cũng bỏ. Nếu không các em sẽ đi tìm hiểu các cơ hội khác.
Với các thí sinh này, các em phải từ bỏ cả quá trình cố gắng, phấn đấu được điểm tốt nhưng không được xét nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh mà phải vào trường mà mình không mong muốn. Các bạn đã phải học lại, thi lại, đăng ký lại… trong 1 năm kế tiếp.
Việc này thật sự lãng phí và tạo ra những xúc cảm, những tâm lý không tích cực của xã hội.
Năm nay, hệ thống lọc ảo cũng thực sự gây bức xúc cho các trường khi tất cả các phương thức xét tuyển đều được Bộ GDĐT lọc ảo chung, các trường hoàn toàn không xác định điểm sàn và điểm chuẩn trước vì không lường được lượng thí sinh ảo ở nhiều phương thức. Điều này vô tình dẫn đến việc các trường đưa mức điểm cao nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu, khó khăn nhất vẫn là các trường đại học ở top giữa và cuối.
Với 20 phương án tuyển sinh trong khi hệ thống lọc ảo với tất cả các phương án nên việc “loạn” là không thể tránh khỏi.
Như vậy, một hệ thống công nghệ xét tuyển đại học chưa hề được kiểm nghiệm trong thực tế đã sử dụng trong tuyển sinh năm nay, đang gây ra rất nhiều hệ luỵ, khó khăn cho các thí sinh. Một điều chỉnh chính sách chưa hề được đánh giá tác động - đã lập tức triển khai khiến nhiều học sinh và gia đình “hốt hoảng”, ảnh hưởng đến cả tương lai của các em.
Nhiều trường đại học rơi vào tình trạng "vỡ trận"
Năm nay do không lường trước được lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nên có trường không tuyển được thí sinh nào và đang xảy ra tình trạng "vỡ trận".
Theo quy định của Bộ GDĐT, sau khi các thí sinh hoàn tất thủ tục nhập học, từ ngày 1/10 các trường mới được thông báo xét tuyển đợt bổ sung đợt 2 (nếu có). Tuy nhiên, ngay sau khi công bố điểm chuẩn, đến nay khoảng gần 90 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung. Không những các trường bất chấp tuyển bổ sung trước thời hạn quy định mà còn tuyển với số lượng lớn chỉ tiêu, ngay cả một số trường công lập lớn cũng tuyển.
Điển hình như Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh thông báo tuyển bổ sung hơn 2.045 chỉ tiêu. Trong khi tổng chỉ tiêu theo đề án tuyển sinh của trường là 2.045. Như vậy trong đợt 1, trường không có thí sinh nào trúng tuyển. Mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 được trường đưa là 15 điểm cho 11 ngành.
PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến việc các trường ồ ạt tuyển bổ sung. Một là, sau khi có kết quả lọc ảo cuối cùng của Bộ GDĐT, số lượng thí sinh trúng tuyển ít hơn chỉ tiêu tương ứng của ngành mà các trường đã xác định và công bố. Hai là, sau thời gian xác nhận nhập học trong hệ thống của Bộ GDĐT, tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học vẫn thấp. Điều này có nghĩa nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không có ý định học.
Trước thực tế này, có lẽ đã đến lúc nên coi việc tuyển sinh là một năng lực bắt buộc của các cơ sở giáo dục, các cơ sở nghề nghiệp. Các trường phải có khả năng tuyển sinh, phải có khả năng đánh giá và tiếp nhận học sinh cho chương trình học của mình.
Điều này cũng có nghĩa là Bộ GDĐT không nên giữ vai trò của đơn vị tuyển sinh cho tất cả các trường đại học. Liên quan đến nguyện vọng của hàng triệu người, học sinh và gia đình họ nên được quyền đưa ra những sự lựa chọn tốt nhất. Lúc đó họ sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ tiết kiệm công sức, chi phí và chính Bộ GDĐT cũng đỡ phải vất vả hơn.