Ngổn ngang sau bão
Được nhận định là một trong những cơn bão mạnh trong 20 năm qua, bão số 4 đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung vào ban đêm, nhưng nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó nên các địa phương đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Tuy nhiên, hoàn lưu bão cũng gây thiệt hại khá nặng về cơ sở hạ tầng, nhà cửa và hoa màu của người dân...
Hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái
Ngày 28/9, thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, thống kê sơ bộ cho thấy, bão số 4 đã làm 5 người bị thương, hơn 500 cây xanh bị gãy đổ, khoảng 191 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh này bị sập và tốc mái. Riêng thành phố Huế có 107 ngôi nhà bị bão làm hư hại, trong đó phường Hương An có đến 59 ngôi nhà bị tốc mái.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, tại tổ dân phố Cổ Bưu (phường Hương An, thành phố Huế) chỉ trong bán kính khoảng 500m đã có hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái. Bà Nguyễn Thị Hồng (trú tại thôn Cổ Bưu) cho biết, gia đình bà vừa vào ở ngôi nhà mới được 2 ngày thì bị bão số 4 quét qua làm hư hỏng nặng. “Sáng nay, các lực lượng chức năng đã về hỗ trợ gia đình tôi lợp lại mái nhà” - bà Hồng cho biết.
Cũng giống như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, bà Phan Thị Hồng ở cùng khối phố chia sẻ, khoảng 1h sáng 28/9, bà cùng với các con đang ở trong phòng thì bất ngờ nghe tiếng động mạnh. “Chỉ trong tích tắc công trình phụ của gia đình tôi bị gió thổi bay. Tiếng gió rít liên hồi khiến các thành viên trong gia đình ai nấy điều lo lắng”- bà Hồng kể.
Ông Nguyễn Chí Lanh - Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Cổ Bưu cho biết, trong những ngày qua, Ban Công tác Mặt trận cùng với cán bộ tổ dân phố đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chằng chống nhà cửa, đồng thời hỗ trợ người dân di dời đến nơi tránh trú an toàn. “Tuy nhiên, khi bão vào gặp luồng gió xoáy đã làm hàng chục ngôi nhà bị tốc mái. Hiện địa phương đang thống kê thiệt hại do bão số 4 gây ra để báo cáo lên cấp trên kịp thời hỗ trợ bà con”- ông Lanh thông tin.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, Chủ tịch UBND phường Hương An cho biết, qua thống kê bước đầu trên địa bàn phường có khoảng 59 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Chính quyền đang huy động các lực lượng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra.
Cũng trong sáng 28/9, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ đã về các địa phương để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra. Đồng thời, huy động lực lượng kịp thời phối hợp dọn cây gãy đổ trên một số tuyến đường, đảm bảo giao thông đi lại thông suốt.
Nhiều nơi bị cô lập
Do ảnh hưởng của bão số 4 nên nhiều địa phương tại miền Trung đã xuất hiện mưa to, có nơi mưa rất to gây cô lập nhiều nơi.
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị, 48 giờ qua, trên địa bàn tỉnh này có mưa vừa, có nơi mưa to. 9h sáng ngày 28/9, tại huyện Đakrông (Quảng Trị) nước sông dâng cao làm một số ngầm tràn của các xã bị ngập, gây chia cắt giao thông như ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo (xã A Ngo), ngầm tràn Ly Tôn, xã Tà Long.
Tương tự, tại huyện Hướng Hóa, một số ngầm tràn mực nước đang lên, làm chia cắt giao thông một số xã. Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, khoảng 15h15 chiều ngày 27/9, tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã xảy ra lốc xoáy khiến 4 người bị thương (trong đó có 1 người bị thương nặng); 1 cửa hàng tạp hóa bị sập đổ hoàn toàn, 50 nhà dân bị tốc mái. Cơn lốc xoáy cũng khiến chợ Cửa Việt và 150 lô quầy ngoài trời bị tốc mái hoàn toàn. Cùng với đó, nhiều diện tích hoa màu bị ngã đổ, nhiều gia cầm, tôm, cá bị thiệt hại.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 4, rạng sáng ngày 28/9, trên địa bàn tỉnh này có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7. Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 4, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Tại huyện Minh Hóa, mưa to đã khiến nước trên thượng nguồn sông Gianh dâng cao, gây ngập nhiều ngầm tràn, chia cắt các bản làng thuộc xã Dân Hóa và Trọng Hóa. Lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, đồng thời bố trí lực lượng túc trực để ngăn không cho người dân và phương tiện đi lại vào khu vực nguy hiểm, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
“Nhà tốc mái, hoa màu gãy đổ cả rồi...”
Sáng 28/9, bão số 4 đi vào đất liền từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Tâm bão đổ bộ vào huyện Thăng Bình và TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, thời điểm đổ bộ, sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13 đã gây thiệt hại nặng về tài sản và cơ sở hạ tầng trên diện rộng ở địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, tại các địa phương của 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi bão số 4 đã làm gãy đổ nhiều cây cối, làm hư hỏng hệ thống điện dẫn đến mất điện trên diện rộng. Nhiều nơi bị ngập nước sâu như tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua xã Tam Đàn và xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khiến xe máy, ô tô không thể lưu thông, lực lượng CSGT tỉnh cắm biển báo và phân luồng điều tiết giao thông.
Tại huyện Quế Sơn, tuyến ĐT611 qua đèo Le tại xã Quế Long bị sạt lở đất đá với khối lượng khoảng 1.000m3, một số đoạn kênh thủy lợi bị cuốn trôi; nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng nặng.
Ông Hồ Văn Hùng, trú xã Tam Đàn cho biết, sau khi bão số 4 đổ bộ vào đã gây ra mưa lớn và ngập lụt nhiều nơi. Lau vội những giọt nước trên mặt, ông Hùng cho biết, bão số 4 đã làm căn nhà của ông bị tốc mái, đàn gà hơn 20 con bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều diện tích bắp cùng hơn 1 sào keo ngã đổ hết. Giờ gia đình ông gần như trắng tay.
Chưa thể thống kê hết những thiệt hại do bão số 4 gây ra nhưng thống kê ban đầu cho thấy, nhiều cơ sở hạ tầng hư hỏng, nhà và trường học bị tốc mái, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị gãy đổ, hàng nghìn gia cầm chết... Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Quảng Ngãi, riêng tại huyện đảo Lý Sơn, theo bà Phạm Thị Hương – Chủ tịch UBND huyện, thiệt hại ban đầu lên tới hơn 62 tỷ đồng.
Còn theo Ban Quản lý các cảng cá thuộc sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi, có 7 phương tiện tàu, ghe và ca nô của người dân huyện Lý Sơn bị chìm. Hiện tại các lực lượng chức năng đang hỗ trợ ngư dân khắc phục sự cố. Ông Kiều Hà, trú xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, cho biết, bão làm hư hại hoàn toàn ngôi nhà của tôi. Một chiếc xe máy cũng bị vùi trong gạch ngói, còn phòng ngủ giờ thành một đống đổ nát. Chính quyền địa phương đã đến ghi nhận thiệt hại. Đồng thời, Bộ đội biên phòng đã cử lực lượng giúp gia đình tôi thu dọn đồ đạc và khắc phục hậu quả để sớm ổn định lại cuộc sống”.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, mặc dù Quảng Nam là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 nhưng công tác phòng chống đã được chính quyền và nhân dân thực hiện quyết liệt và khẩn trương nên đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
“Thiệt hại nặng nhất là hệ thống điện, đến giờ điện lực Quảng Nam đang khẩn trương tập trung khắc phục sự cố. Ngoài ra, những thiệt hại về tàu thuyền cũng có nhưng không quá lo ngại” – ông Thanh cho biết.
Sáng 28/9, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây, đi sang khu vực Nam Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Từ trưa và chiều 28/9, bão số 4 không còn ảnh hưởng đến Việt Nam. Về hoàn lưu sau bão, ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Từ ngày 28 đến 30/9, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Hòa Bình có mưa vừa, mưa to.